
Triển lãm VIATT 2025 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM từ ngày 26/2 đến ngày 28/2/2025. Đây là sự kiện thương mại quốc tế uy tín, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp dệt may, nhà cung cấp, chuyên gia trong ngành từ khắp nơi trên thế giới tham dự do Bộ Công Thương chủ trì, giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp cùng Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức.
Tiếp nối thành công từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2024, VIATT 2025 có quy mô mở rộng với hơn 400 nhà trưng bày, trên 500 gian hàng trên diện tích 15.000 m², giới thiệu đa dạng các sản phẩm và giải pháp từ sợi, vải, phụ kiện may mặc, quần áo, dệt may dân dụng và công nghiệp, vải không dệt, thiết bị dệt may cho đến dịch vụ cấp chứng nhận và giải pháp công nghệ.
Triển lãm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan, Thái Lan và lần đầu tiên có sự xuất hiện của Khu gian hàng châu Âu, với các thương hiệu lớn như: Bossa Ticaret Ve Sanayi Isletmeleri TAS (Thổ Nhĩ Kỳ), Chargeurs PCC Asia Limited (Pháp), Hohmann GmbH & Co. Kg (Đức), Technical Absorbents Ltd (Anh), Alumo AG (Thụy Sĩ)...
Là một trong những điểm nhấn tại VIATT 2025, khu gian hàng thương hiệu Quốc gia Việt Nam là nơi để các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế…
VIATT 2025 không chỉ là diễn đàn kết nối giao thương mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như RCEP, CPTPP, EVFTA... Qua đó, ngành dệt may Việt Nam có thể gia tăng giá trị sản phẩm, hướng tới sản xuất xanh và phát triển bền vững.
Là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ hơn. Sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế tại VIATT 2025 càng khẳng định tiềm năng của ngành và mở ra nhiều triển vọng hợp tác lâu dài.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023.
Trước những xu hướng thuận lợi, cùng với 17 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết và có hiệu lực, năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thắng, để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, áp dụng chuyển đổi số; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường…
Đồng thời, trong tình hình kinh tế thế giới đối mặt với những nguy cơ khó lường, các doanh nghiệp dệt may cần tìm được những hướng đi phù hợp, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đẩy lùi những khó khăn, hướng về mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững.
Nguồn: Hqonline
- Tăng sức cạnh tranh trong xuất khẩu lâm sản (06-03-2025)
- Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Canada trong bối cảnh Mỹ vừa công bố áp thuế quan (06-03-2025)
- Chính phủ lập đoàn đàm phán với Mỹ do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn (06-03-2025)
- WTO kêu gọi cải cách, thúc đẩy thương mại tự do (06-03-2025)
- Cẩn trọng với 'cạm bẫy' khi xuất khẩu sang Algeria (06-03-2025)

