Mở “lối thoát hiểm” cho xuất khẩu (08-06-2023)
Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc giúp doanh nghiệp (DN) tìm kiếm được khách hàng và ký kết đơn hàng mới, qua đó mở ra “lối thoát hiểm” hiệu quả cho DN trong bối cảnh tình hình sụt giảm đơn hàng đang ở mức báo động.

Tiếp cận khách hàng mới

Những ngày cuối tuần qua, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn SECC luôn tấp nập khách hàng trong và ngoài nước tới tham quan, kết nối tại Hội chợ Xuất khẩu TPHCM – HCM City Expo 2023. Trong đó có hàng ngàn khách hàng là nhà mua hàng quốc tế đến từ các thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Pakistan…

Ông Chung Tấn Quốc Tuấn, phụ trách xuất nhập khẩu Công ty Thảo Nguyên Foods cho biết, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm bánh truyền thống của Việt Nam như bánh cống, bánh quẩy, bánh đậu xanh, chuối chiên… được chế biến sẵn, hút chân không sau đó cấp đông và xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, châu Âu. Trước đây, trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 2 container, nhưng kể từ sau dịch, lượng đơn hàng giảm rất mạnh. Hiện chỉ còn 1 container/tháng, chậm chí có tháng không xuất được lô hàng nào. Ông Tuấn kỳ vọng có thể tìm được khách hàng mới tại hội chợ lần này để có thể vực dậy hoạt động sản xuất của công ty.

Trên thực tế, dù tình hình xuất khẩu chung đang sụt giảm mạnh kể từ cuối năm 2022 đến nay, nhưng tại các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại vẫn ghi nhận nhiều kết quả khá tích cực. Điển hình như tại hội chợ Vifa Expo 2023 vừa tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, ban tổ chức cho biết, các DN tham gia hội chợ đã ký kết đơn hàng, biên bản hợp tác với tổng giá trị hàng trăm triệu USD.

Không chỉ các hội chợ ở trong nước, DN Việt Nam còn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực qua việc tham gia các hội chợ quốc tế ở nước ngoài. Điển hình như tại Hội chợ Thaifex Anuga 2023 diễn ra tuần qua tại Thái Lan, gian hàng của các DN Việt Nam đã tạo được ấn tượng rất tốt với các khách hàng quốc tế. Sau khi nghe giới thiệu về sản phẩm bánh tráng không nhúng nước của Công ty TNHH Tân Nhiên (Tây Ninh), đại diện Cục Xúc tiến thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan đánh giá sản phẩm này rất phù hợp với thị trường Thái Lan, đặc biệt là tại những vùng có nhiều người Việt sinh sống và làm việc.

Ông Đặng Khánh Duy, Tổng giám đốc Công ty Tân Nhiên cho biết, sản phẩm của công ty hiện đang được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và hoàn toàn có khả năng cung cấp cho thị trường Thái Lan với sản lượng lên tới trên 4 tấn/ngày.

Trong khi đó, ông Hà Tiến Phước, Trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Lai Phú cho biết, sau khi cho khách hàng dùng thử, trải nghiệm sản phẩm, công ty đã nhận được những phản hồi rất tốt. “Các khách Hàn Quốc, Ấn Độ rất quan tâm tới mặt hàng pudding trái cây, bánh cookies kem trái cây. Trong khi đó khách châu Âu lại muốn hợp tác sản xuất sản phẩm nước trái cây có thạch nha đam hoặc thạch dừa. Ngoài ra có khách cũng muốn sử dụng thêm thạch trân châu cho các loại nước. Một số khách Philippines quan tâm tới nước trái cây đặc thù của Việt Nam như nước vải thạch dừa, nước chanh dây thạch dừa, nước dưa lưới thạch dừa…” – ông Phước chia sẻ.

Ông Phạm Đình Ngãi, CEO Công ty Mật hoa dừa Sokfarm cũng cho biết đây là lần thứ 2 tham dự Thaifex Anuga. Mục tiêu của Sokfarm trong lần tham dự này là nhằm kết nối lại những đối tác từ Thaifex 2022 và giới thiệu dòng sản phẩm mới của công ty là mật hoa dừa cô đặc và sản phẩm nước tương lên men từ mật hoa dừa. Ngoài ra, Sokfarm cũng mong muốn tìm hiểu thêm về xu hướng tiêu dùng cũng như những máy móc, thiết bị, công nghệ để sản xuất sản phẩm đạt chuẩn

Mở đường xuất khẩu qua “chợ online”

Phát biểu tại hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu cuối tuần qua, ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kinh tế số và công nghệ thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý. Theo đó, bên cạnh việc nằm trong Top 20 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới, trên nền tảng kinh doanh xuyên biên giới, Việt Nam cũng thuộc tốp những nước dẫn đầu và đang tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, theo thông tin do Amazon (Mỹ) công bố, năm 2022 Amazon tăng hơn 80% số đối tác bán hàng Việt Nam trên nền tảng của họ, trong đó phần lớn là DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, theo ông Tước, Amazon không phải là cá biệt bởi có những công ty công nghệ khác cũng tăng trưởng tốt như vậy, thậm chí là tăng trưởng 3 con số. Điều này đã giúp ngày càng nhiều DN Việt Nam xuất khẩu hàng triệu USD thông qua “chợ online”.

Số liệu thống kê cho thấy, tại TPHCM hiện có tới trên 11.500 dự án đầu tư nước ngoài, ngoài ra còn có nhiều cơ quan thương vụ nước ngoài đóng trên địa bàn. Do đó, theo Sở Công Thương TPHCM, thành phố có thế mạnh là nơi hội tụ, kết nối các chuỗi cung ứng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, các DN gần như chưa khai thác hiệu quả lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do với nhiều ưu đãi cho sản xuất, xuất khẩu. Hiểu biết của DN về nhu cầu tiêu dùng xanh, về các điều kiện, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu của các thị trường lớn, về các tiêu chuẩn sản xuất bền vững… còn hạn chế.

Do đó, sắp tới Sở Công Thương TPHCM sẽ phối hợp cùng AmCham tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, hướng dẫn cụ thể từng bước cho DN để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế.

Ở góc độ một DN xuất khẩu khá thành công, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group, cho biết, một trong những giá trị cốt lõi để DN thành công là chất lượng, thương hiệu. Để chinh phục thị trường quốc tế, DN phải xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn, có sản phẩm đặc trưng so với hàng hóa cùng chủng loại trên thế giới và phù hợp với nước nhập khẩu, đối tượng nhập khẩu… DN cần xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bám sát cùng bà con nông dân xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong suốt quá trình từ chọn giống, canh tác đến thu hoạch, đảm bảo chất lượng và sản lượng đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như xu hướng nông nghiệp xanh, bền vững trong thời gian tới…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan:

Mở “lối thoát hiểm” cho xuất khẩu
Ông Võ Văn Hoan.

Theo đuổi xuất khẩu xanh

Thế giới đang đứng trước những xu hướng mới, nếu không theo kịp thì chúng ta sẽ tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi. Với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ luật chơi mới về thương mại và đầu tư, đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định mà còn giúp hàng hóa rộng đường xuất khẩu và hưởng những ưu đãi về thuế của quốc gia nhập khẩu với các điểm cộng thể hiện tính "có trách nhiệm" như sản xuất "xanh", "bền vững", "thân thiện với môi trường”.

Do đó, TPHCM định hướng sẽ theo đuổi xuất khẩu xanh và phát triển sản xuất, công nghiệp đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm "Phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo" của thành phố trong giai đoạn 2020- 2025. TP HCM đang xây dựng, định hướng xây dựng một số cơ chế chính sách để thúc đẩy tăng trưởng xanh thực hiện hóa mục tiêu này.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành:

Mở “lối thoát hiểm” cho xuất khẩu
Ông Võ Trí Thành.

Xanh là để bảo vệ sức cạnh tranh

“Xanh” và “số” là hai từ quan trọng nhất mà các DN cần theo đuổi nếu muốn thích ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế. Nếu như trước đây theo đuổi “tính xanh” là sự đánh đổi chi phí, thì bây giờ xanh là để bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế, thu hút sự quan tâm của các nhãn hàng. Đáng chú ý những quy định xanh hóa sản xuất đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn. Điển hình như ngành dệt may thế giới đã đưa ra yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế. Các quy định này được tính điểm trong đơn hàng. Thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) thì có đơn hàng tốt hơn, nhiều hơn. Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh không thể do DN hay Nhà nước muốn là làm được. Với đặc thù nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cần có sự nỗ lực từ cả hai phía.

Nắm vững các tiêu chuẩn “mềm” của thị trường giúp nông sản hóa giải thách thức

Mở “lối thoát hiểm” cho xuất khẩu
TS Hạ Thúy Hạnh.

TS Hạ Thúy Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, bên cạnh những tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật, nông sản Việt Nam cần đạt được nhiều tiêu chuẩn “mềm” để có thể vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế.

Bà đánh giá như thế nào về tình hình tiêu thụ của nông sản Việt Nam hiện nay?

Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2022, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP chiếm khoảng 25-27%. Trong cấu trúc sản xuất, nông nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, với các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, các hợp tác song phương, đa phương, xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021 với các sản phẩm nông sản chính như gạo, cà phê, tiêu, điều, rau quả, gỗ, cá tra, tôm, cao su…

Việc đầu tư vào nông nghiệp cũng có vai trò quan trọng, giúp phát triển kinh tế nông nghiệp. Thống kê đến năm 2022, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm trước. Con số này cho thấy sự quan tâm đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước cho tới cộng đồng DN, các hiệp hội ngành hàng cũng như các HTX, tổ hợp tác…

Những số liệu gần đây cũng cho thấy nông sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản đã đạt 15,66 tỷ USD. Việt Nam đã xây dựng được những vùng nguyên liệu lớn về lúa gạo, cây ăn trái, cà phê, thủy sản, chăn nuôi để phục vụ mục tiêu đưa nông sản Việt vươn xa.

Dù có vai trò hết sức quan trọng, nhưng qua con số thống kê của các hiệp hội ngành hàng, mới chỉ khoảng 18-20% nông sản Việt Nam đạt chứng nhận của các nhà nhập khẩu quốc tế. Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước với 100 triệu dân, những yêu cầu về chất lượng, chế biến sau thu hoạch, đảm bảo an toàn thực phẩm… cũng ngày càng được nâng cao. Những yếu tố này khiến cho việc tiêu thụ nông sản vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn.

Cụ thể thị trường đang đặt ra những yêu cầu gì đối với sản phẩm nông nghiệp và bà có khuyến nghị gì để giúp việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi hơn trong thời gian tới?

Với những yêu cầu từ thực tiễn, để tiêu thụ được tốt, trước tiên nông sản cần phải đạt được các chứng nhận. Hiện nay thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh. Khi các giao dịch không thể diễn ra trực tiếp, việc đạt các chứng nhận chính là sự khẳng định cho chất lượng của sản phẩm.

Theo đó, sản phẩm cần đạt các chứng nhận VietGAP, chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng đối với sản phẩm trồng trọt, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh đối với sản phẩm chăn nuôi. Cơ sở chế biến cũng phải đạt các chứng nhận về HACCP, ISO 22000.

Một số thị trường xuất khẩu còn có những yêu cầu cao hơn, ngoài các chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật còn có các tiêu chuẩn “mềm” về bảo vệ môi trường như chỉ số carbon, chứng nhận về lao động, bình đẳng giới, phúc lợi động vật… Cụ thể, trong toàn bộ chuỗi sản xuất không có sự tham gia của lao động trẻ em; quy trình sản xuất không gây ra phát thải carbon, ảnh hưởng đến môi trường. Về phúc lợi động vật, các quy trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ phải đảm bảo con vật không bị đau đớn, sợ hãi…

Vì vậy, nông dân cũng như các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng phải nắm được những yêu cầu này để sản phẩm của mình đạt được các chứng nhận của Việt Nam và dần dần hướng tới theo các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Trung tâm khuyến nông quốc gia thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ các địa phương cũng như thông qua các cán bộ nông nghiệp, các địa phương, cán bộ khuyến nông các cấp truyền tải đến người nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác cách thức để sản xuất đạt được các chứng nhận không chỉ ở thị trường trong nước mà cả xuất khẩu.

Xin cảm ơn bà!

 Nguồn: Tạp chí Hải Quan

Quảng cáo