Phương thức quản lý hiện đại
Theo Tổng cục Hải quan, việc áp dụng QLRR, phân luồng kiểm tra hàng hóa đối với các lô hàng XNK được thực hiện theo quy định tại Luật Hải quan và Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan. Theo đó, khi hàng hóa được phân vào luồng Xanh sẽ thông quan ngay; luồng Vàng phải kiểm tra chi tiết hồ sơ; luồng Đỏ phải kiểm tra thực tế hàng hóa.
![]() |
Qua công tác quản lý hiện đại, ngành Hải quan phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá |
Cơ quan Hải quan căn cứ vào kết quả tổng hợp, xử lý các kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro theo tiêu chí do Bộ Tài chính ban hành để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra hải quan và các biện pháp nghiệp vụ hải quan khác.
Đây là các quy định được thể chế hóa từ các thông lệ quốc tế và các tiêu chuẩn, khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nhằm đảm bảo việc hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là dưới góc độ tạo thuận lợi thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đang triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Theo đó, một trong những giải pháp trọng tâm là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, giảm tỷ lệ kiểm tra đối với hàng hóa XNK để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo thống kê, đến hết tháng 10/2018, toàn ngành Hải quan đã làm thủ tục hơn 10,3 triệu tờ khai hàng hóa XNK, trong đó, 59,5% tờ khai được phân luồng Xanh; 35,42% tờ khai được phân luồng Vàng và chỉ có 5,08% tờ khai phân luồng Đỏ. Qua công tác quản lý, ngành Hải quan phát hiện hơn 19.000 tờ khai có vi phạm, thực hiện xử lý gần 15.000 lượt cá nhân, tổ chức vi phạm.
Song hành giữa “phục vụ” và “quản lý”
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan, ngoài việc áp dụng QLRR, phân luồng kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, giảm thời gian thông quan hàng hóa thì để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong hoạt động XNK để buôn lậu, gian lận thương mại, ngành Hải quan đã và đang áp dụng đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.
Cụ thể, cơ quan Hải quan tổ chức thu thập, phân tích thông tin trước (thông tin bản lược khai hàng hóa điện tử - E-manifest) nhằm kịp thời phát hiện các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm, buôn lậu để thực hiện soi chiếu trước đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh tự động hóa hoạt động kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai để quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận tờ khai của DN.
Cùng đó, ngành Hải quan cũng tiến hành các biện pháp kiểm soát, giám sát hải quan; thu thập, trao đổi thông tin nghiệp vụ từ các cơ quan Hải quan, giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp… để phát hiện các DN, lô hàng vi phạm, kịp thời áp dụng biện pháp dừng hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra hoặc khám xét đối với các lô hàng có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn, xử lý. Cơ quan Hải quan cũng thường xuyên xây dựng các chương trình, kế hoạch tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với các lô hàng luồng Xanh, qua đó, mỗi năm cơ quan Hải quan phát hiện truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước.
Đối với công tác kiểm tra, soi chiếu sau đối với các tờ khai xuất khẩu luồng Xanh đã được thông quan, cơ quan Hải quan tiến hành các biện pháp thu thập thông tin nghiệp vụ, đánh giá rủi ro, xác định các lô hàng xuất khẩu có dấu hiệu rủi ro cao để lựa chọn soi chiếu, kiểm tra.
Theo đánh giá, nhờ các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nói trên, ngành Hải quan đã góp phần quan trọng trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, giảm thời gian thông quan hàng hóa, góp phần cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chủ trương của Chính phủ.
Nguồn: Báo Công thương
- Mở rộng xuất khẩu: Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn gì? (04-12-2018)
- Việt Nam hướng tới gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) (04-12-2018)
- Xuất khẩu nông sản: Trung Quốc sẽ công nhận hệ thống tương đương (04-12-2018)
- Thương nhân xuất khẩu ngày càng tận dụng tốt hơn các FTA (04-12-2018)
- Ngành hàng nào được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định VIFTA được thực thi? (04-12-2018)
![](/static/yenbai/images/ad1.png)
![](/static/yenbai/images/ad2.png)