Tự chủ nguyên liệu từ vùng trồng để xanh hóa ngành dệt may (04-08-2023)
Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu nhằm thúc đẩy tự chủ nguồn cung nguyên vật liệu từ vùng trồng nội địa và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành dệt may là một trong những giải pháp sẽ giúp thúc đẩy xanh hóa ngành dệt may Việt Nam.

Đó là một trong những ý kiến được nêu ra tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM phối hợp cùng Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM tổ chức ngày 27/7.

Trong bối cảnh hiện nay, các nước đang triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều khu vực và quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều này đòi hỏi hàng hóa sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững. Ngành dệt may cũng không nằm ngoài xu thế này.

Theo đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ lực tìm hướng chuyển đổi sang các mô hình sản xuất xanh và thân thiện với môi trường. Việc xanh hóa ngành dệt may sẽ góp phần mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi các mô hình sản xuất theo hướng phát triển bền vững, thời gian qua, TPHCM đã tổ chức nhiều chương trình về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… nhằm cung cấp thông tin về các mô hình kinh doanh, xu hướng phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Vũ, trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, các FTA thế hệ mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng các hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không thể tách rời nhau. Do đó, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu cần hướng tới việc cân bằng các yếu tố về kinh tế - xã hội - môi trường trong quá trình phát triển.

“Hiện nay, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả hàng hóa. Nếu doanh nghiệp không có chiến lược chuyển đổi, khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh và phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ mất đơn hàng và sẽ không thể tồn tại”- ông Vũ chia sẻ.

Bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, ngành dệt may toàn cầu đang dần chuyển đổi theo hướng “xanh hóa”, nghĩa là thay đổi quy trình sản xuất, lưu thông sản phẩm theo hướng giảm thiểu ô nhiễm đầu vào và đầu ra, tiết kiệm nguồn lực cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bà Linh chỉ ra một số tiêu chí quan trọng để đạt được mục tiêu “xanh hóa” mà các doanh nghiệp cần quan tâm, như: hiệu quả năng lượng; tiết kiệm nước; sử dụng năng lượng tái tạo; xử lý chất thải và bao bì… Hơn nữa, xu hướng chuyển đổi xanh tác động đến dịch chuyển của chuỗi cung ứng hàng dệt may – đây là điều đã và đang tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong thời gian gần đây.

TS. Trương Thị Ái Nhi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) nhìn nhận, ngành dệt may Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong thời gian tới, để ngành dệt may chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, bà Nhi khuyến nghị Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách tài chính khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.

Đồng thời tạo cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy việc sản xuất nguyên phụ liệu truyền thống có hiệu suất, nghiên cứu và thương mại hoá các nguồn nguyên phụ liệu mới và bền vững cho ngành dệt may. Qua đó thúc đẩy tự chủ nguồn cung nguyên vật liệu từ vùng trồng nội địa và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành dệt may.

Ngành dệt may cũng cần tận dụng và tối ưu hoá đầu vào thông qua thiết kế, phát triển và sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu tái tạo, tái sinh đáp ứng sản xuất. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh mạng lưới liên kết bền vững các doanh nghiệp trong ngành dệt may trong cụm công nghiệp và các bên liên quan theo chuỗi giá trị. Ngành dệt may cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may.

 

Quảng cáo