Xuất khẩu dệt may thu hẹp đà giảm (03-08-2023)
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam bắt đầu thu hẹp đà giảm trong tháng 7, cho thấy tín hiệu tích cực sau thời gian dài đối mặt với khó khăn về đơn hàng tại các thị trường trọng điểm.

Thông tin được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra tại lễ khai mạc Triển lãm quốc tế vải, nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị ngành may 2023 (SaigonFabric Summer 2023) diễn ra ngày 26/7 tại TPHCM.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, dự ước kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đến hết tháng 7/2023 sẽ đạt khoảng 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Giang đánh giá đây là tín hiệu tích cực khi mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức 17% tại thời điểm cuối tháng 6.

Trong bối cảnh đó, ông Giang đánh giá Triển lãm SaigonFabric Summer 2023 sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp kết nối với các nhà cung cấp những sản phẩm nguyên phụ liệu mà Việt Nam còn đang thiếu. Qua đó hoàn thiện chuỗi cung ứng và nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ sự hồi phục của thị trường.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đánh giá, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều biến động, mức tồn kho cao, nhu cầu hàng hóa nói chung và sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp dệt may đang gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu.

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, bà Thắng cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030 là đạt kim ngạch xuất khẩu 68-70 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược. Trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, áp dụng chuyển đổi số; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường…

Đồng thời, trong tình hình kinh tế thế giới đối mặt với những nguy cơ khó lường, các doanh nghiệp dệt may cần tìm được những hướng đi phù hợp, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đẩy lùi những khó khăn về dịch bệnh, hướng về mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững.

Đối với Triển lãm SaigonFabric Summer 2023, bà Thắng đánh giá đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến, hiện đại, từ đó các doanh nghiệp có cơ sở định hướng đầu tư trong thời gian tới. Đây cũng là dịp tốt để doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối các đối tác, nhà cung cấp uy tín, thúc đẩy mối quan hệ giao thương, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các FTA, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào phát triển ngành Dệt May Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.

Triển lãm Quốc tế Vải, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp may 2023 (SaigonFabric Summer 2023) là triển lãm đầu tiên chuyên ngành về vải, nguyên phụ liệu được tổ chức với diện tích trưng bày hơn 8.000 m2, quy tụ hơn 300 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Đặc biệt, lần đầu tiên triển lãm dành riêng một khu “Made in Vietnam” riêng biệt với gần 100 công ty giới thiệu những nguồn sợi, vải, nguyên phụ liệu của Việt Nam.

Các sản phẩm tiêu biểu được doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tại triển lãm gồm: sợi gai xanh của Tập đoàn Thiên Phước; vải in trên chất liệu đặc biệt của Fadatech; vải từ tre, sợi sen và hạt cà phê của Faslink; vải sợi hoa hồng, sen, ngải cứu, sợi bạc hà, lô hội của Công ty Sen Hồng…

Nguồn: HQ Online

Quảng cáo