Bộ Công Thương: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến hàng Việt (03-05-2018)
Xúc tiến thương mại (XTTM) nhằm kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng Việt là một trong những hoạt động được Bộ Công Thương chú trọng triển khai trong thời gian qua và mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều sản phẩm tìm được thị trường, tránh được tình trạng được mùa mất giá.


Tiêu thụ vải thiều là một trong những điển hình thành công nhất của công tác xúc tiến thương mại nông sản

Tiêu thụ vải thiều là một trong những điển hình thành công nhất của công tác XTTM nông sản những năm gần đây. Thời điểm trước năm 2013, hình ảnh những xe vải đỏ ối chạy dọc đường quốc lộ tìm nơi tiêu thụ với giá rớt thảm hại đã ám ảnh người dân Bắc Giang nói riêng và người dân các vùng trồng vải nói chung. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trước mỗi vụ vải, nhờ công tác XTTM được tổ chức sớm và liên tục cho đến khi thu hoạch, tình trạng này đã không còn. Riêng trong năm 2017, công tác XTTM đã góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang, giúp tiêu thụ 91.000 tấn vải thiều. Giá vải thiều trung bình đạt cao nhất từ trước đến nay với 38.000 đồng/kg bán trong nước và 58.000 đồng/kg xuất khẩu.

Cùng với vải thiều, Bộ Công Thương đã XTTM mại thành công cho hàng ngàn sản phẩm khác. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2017, Bộ đã tổ chức 1.280 chương trình XTTM với tổng kinh phí hơn 170 tỷ đồng, trong đó chương trình XTTM quốc gia hỗ trợ 29,55 tỷ đồng. Riêng phía Bắc, các Trung tâm XTTM địa phương đã thực hiện 315 hoạt động XTTM, chiếm 25% hoạt động XTTM của cả nước, và hỗ trợ 5.167 lượt doanh nghiệp (DN) địa phương tham gia.

Song song với việc góp phần tiêu thụ hiệu quả, công tác XTTM còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp - cho biết, nhờ tích cực thực hiện các giải pháp kết nối cung- cầu, người sản xuất và DN, người tiêu thụ gặp được nhau, hiểu rõ nhu cầu tiêu thụ, hướng đến sản xuất theo nhu cầu chứ không sản xuất tự phát. Từ việc coi trọng sản xuất lúa gạo là hàng đầu, nay nhiều người đã chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ... Vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được đánh giá cao.

Tính đến hết năm 2016, toàn quốc đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông- lâm và thủy sản an toàn. Phát huy hiệu quả các hoạt động XTTM, kết nối cung - cầu hàng hóa Việt, trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ để thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động XTTM nội địa, nhất là trong các dịp lễ, Tết và dịp cuối năm; triển khai các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa và bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng dồi dào và giá cả ổn định cho người tiêu dùng… Xem xét và triển khai các chương trình lớn và có sức lan tỏa nhiều hơn thay vì những chương trình nhỏ, trùng lặp, kinh phí ít, từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Song song với việc XTTM hàng hóa Việt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn; hội chợ hàng Việt… để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa.

Nguồn: Báo Công thương

Quảng cáo