Có thể tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung vi phạm (20-07-2023)
Nhiều nội dung mới được bổ sung tại Dự thaoe nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến...

Tại tờ trình dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ngày 7/7/2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5032/VPCP-KGVX thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tưởng Trần Lưu Quang, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế bảo đảm chất lượng, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng trong tháng 10/2023.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế dựa trên dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã trình Chính phủ và bổ sung thêm một số nội dung mới để phù hợp với thực tiễn quản lý, không phát sinh thêm chính sách mới. Các nội dung mới được bổ sung vẫn thuộc 06 chính sách đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 193/NQ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ (theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

XÁC THỰC TÀI KHOẢN NGƯỜI DÙNG MẠNG XÃ HỘI QUA SỐ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

Nội dung đầu tiên được đề xuất bổ sung trong dự thảo nghị định thay thế là bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.

Tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng đã có quy định các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”. Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này.

Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Chỉ các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream).

Quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định này sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước.

Cũng liên quan đến người dùng Internet, dự thảo bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung.

Cơ quan soạn thảo cho biết, bên cạnh việc bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thì việc đề xuất bổ sung thêm quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.

Bên cạnh đó là bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Đây là biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung trên nền tảng mạng xã hội của mình theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên không gian mạng.

ĐƠN GIẢN HÓA ĐIỀU KIỆN CẤP PHÉP CUNG CẤP DỊCH VỤ GAME ONLINE

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngày 26/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1994/QĐ-TTg Phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2020-2025, trong đó có phương án bãi bỏ toàn bộ thủ tục hành chính về cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng và cấp chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

Vì vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ trình Chính phủ tại Tờ trình số 119/TTr-BTTTT ngày 29/12/2021, cơ quan soạn thảo đã thực hiện việc bỏ các điều kiện về kỹ thuật, thủ tục liên quan đến cấp giấy phép G1, cấp giấy chứng nhận G2, G3, G4 và chỉ giữ lại thủ tục cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 (đối với từng game) nhưng có điều chỉnh tên của thủ tục thành giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng đối với từng game; cấp giấy xác nhận thông báo đối với G2, G3, G4 nhưng có điều chỉnh tên của thủ tục thành giấy chứng nhận đăng ký phát hành G2, G3, G4, đồng thời có bổ sung các điều kiện về kỹ thuật trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phát hành game G1 và cấp giấy chứng nhận đăng ký phát hành G2, G3, G4.

Tuy nhiên, qua rà soát thực tế, cơ quan soạn thảo nhận thấy mặc dù dự thảo Nghị định đã cắt bỏ, không quy định các điều kiện, thủ tục liên quan đến cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 và Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2,G3, G4 trên mạng nhưng lại gộp các điều kiện này vào hồ sơ cấp Giấy phép phát hành đối với từng game tại dự thảo Nghị định. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải kê khai lặp đi lặp lại về các điều kiện về tài chính, nhân sự, kỹ thuật, hệ thống thanh toán phục vụ việc phát hành game, trong khi đó đối với các quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì doanh nghiệp chỉ phải khai báo 01 lần.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng như vậy, vô hình chung sẽ lại tăng thêm điều kiện, làm phát sinh thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp tục duy trì hai loại giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, gồm: Giấy phép/Giấy chứng nhận cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng G1/G2,G3, G4 (giúp cơ quan quản lý tiền kiểm điều kiện hạ tầng, kỹ thuật của doanh nghiệp) và Quyết định/Giấy xác nhận phát hành cho trò chơi G1/G2,G3,G4 để thẩm định, kiểm ra nội dung, kịch bản của trò chơi trước khi phát hành ra thị trường (sau khi doanh nghiệp đã có giấy phép/giấy chứng nhận) sẽ phù hợp hơn với thực tế quản lý hiện nay.

Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất vẫn giữ nguyên quy định cấp 02 loại Giấy phép như hiện nay, nhưng có chỉnh sửa, loại bỏ một số điều kiện để vẫn đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1994/QĐ-TTg.

Đồng thời, bổ sung quy định về phân cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông địa phương thực hiện các thủ tục hành chính về cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng và Giấy xác nhận phát hành cho trò chơi G2, G3, G4 trên mạng để tăng cường và nâng cao vai trò quản lý của địa phương đối với lĩnh vực này.

Liên quan đến lĩnh vực trò chơi trực tuyến, dự thảo bổ sung quy định không cấp phép cho dòng game bài giải trí. Cụ thể là không cấp phép đối với trò chơi điện tử trên mạng có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài vào dự thảo Nghị định thay thế.

MẠNG XÃ HỘI CÓ GIẤY PHÉP MỚI ĐƯỢC CUNG CẤP DỊCH VỤ LIVESTREAM

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện nay, trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream” là tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực.

Thực tế cho thấy đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này, bao gồm:

Thứ nhất, chỉ các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream);

Thứ hai, các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng mạng xã hội, và đảm bảo quy định được thực hiện công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Theo đó, (1), mạng xã hội phải công khai mô tả quy trình, phương thức phân phối nội dung trên nền tảng của mình để người dùng được biết và cân nhắc sử dụng (đây là một trong những tính năng của sản phẩm, các mạng xã hội cần phải minh bạch hóa tính năng sản phẩm khi cung cấp đến người dùng); (2), mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng; (3), bổ sung quy định bảo vệ trẻ em khi sử dụng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng.

Đồng thời không quy định nội dung liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP để chuyển sang dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) và Nghị định mới hướng dẫn Luật Viễn thông.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam

Quảng cáo