Đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại với đối tác Ấn Độ: Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì? (10-07-2023)
Ngày 5/7, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Một số lưu ý trong quá trình đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng với Ấn Độ".

Buổi hội thảo đã thu hút được sự tham dự của gần 150 doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường Ấn Độ. Điều đó thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam đến thị trường Ấn Độ ngày càng tăng trong bối cảnh các thị trường lớn và truyền thống của chúng ta đang gặp khó khăn.

Đây là buổi Hội thảo trực tuyến do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức thu hút sự tham gia đông đảo nhất từ các doanh nghiệp.

Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có tiềm năng lớn trong việc phát triển quan hệ thương mại. Hiện nay, mặc dù Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả hai bên. Điều này cho thấy còn nhiều cơ hội và tiềm năng để hai nước cùng tăng cường hợp tác thương mại.

Trong thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã nhận được phản hồi từ một số doanh nghiệp Việt Nam về khó khăn trong giao dịch với đối tác Ấn Độ, bao gồm việc kiểm tra uy tín đối tác, việc thực hiện giao nhận hàng hóa và thanh toán tiền mặt, cũng như các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là thiếu hiểu biết về đối tác, điều khoản hợp đồng, đặc biệt là điều khoản thanh toán. Nhiều trường hợp, việc trao đổi thông qua tin nhắn dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam khi xảy ra tranh chấp.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển thương mại với Ấn Độ và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đang tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn thông tin cũng như cảnh báo doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Ấn Độ đã giới thiệu các nguồn thông tin đáng tin cậy, bao gồm các trang web và cổng thông tin như https://www.mca.gov.in; www.dgft.gov.in; www.indiantradeportal.in; www.agriexchange.apeda.gov.in … nơi các doanh nghiệp có thể tìm hiểu về yêu cầu và quy định của thị trường, thuế, đối tác và các thông tin khác liên quan. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin cần thiết và chuẩn bị tốt hơn cho quá trình kinh doanh với đối tác Ấn Độ.

Ông Thướng cũng trình bày về quy trình thực hiện giao dịch, bắt đầu từ khi nhận được yêu cầu cho đến khi hoàn thành hợp đồng. Ông đã giải thích các điều khoản quan trọng trong hợp đồng, quy trình giao nhận hàng hóa, thanh toán và cách xử lý khi có tranh chấp phát sinh. Nhờ đó, các doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quan về quy trình và biết cách xử lý các tình huống phức tạp có thể xảy ra trong quá trình giao dịch với đối tác Ấn Độ.

Buổi hội thảo tiếp dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới, các diễn giả sẽ hướng dẫn giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về hợp đồng thương mại cũng như hướng dẫn về cách phòng tránh và nhận diện các giao dịch hoặc đối tác không đáng tin cậy. Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể theo dõi các thông tin cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương hoặc liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ địa chỉ Email: in@moit.gov.vn; trade@vietnamembassydelhi.in./.

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo