Doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả thương mại điện tử (16-05-2023)
Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển và được coi là hướng đi hữu hiệu cho doanh nghiệp (DN) nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nội địa cũng như thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh thương mại quốc tế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ dịch bệnh cho đến những căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều DN khai thác hết hiệu quả kênh phân phối này.

Tiềm năng lớn

Theo Trung tâm phát triển TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, TMĐT sẽ tiếp tục tăng 20% trong thời gian tới. Năm 2022, Amazon bán 10 triệu sản phẩm, tăng 20% so với năm trước và Alibaba cũng có mức tăng trưởng tương tự. Vì thế, xu hướng phát triển TMĐT là tiến tới thương mại số, phát triển hệ sinh thái TMĐT từ việc thanh toán cho đến xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, hoạt động TMĐT đã diễn ra khá lâu và không còn là chủ đề mới nhưng lại rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và trong nước đều sụt giảm, tạo nên áp lực rất lớn lên doanh số bán hàng của doanh nghiệp. Theo đó, để xoay xở, tìm kiếm khách hàng ở thị trường mới phải có sự đổi mới trong tổ chức hoạt động phân phối, tiêu thụ hàng hoá, khai thác thị trường ngách. TMĐT là kênh tiếp cận khách hàng nhanh, ít tốn kém, có thể giúp doanh nghiệp thăm dò, nhận phản hồi từ khách hàng ở các thị trường mới, thị trường ngách, từ đó điều chỉnh, cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.

 

 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco) cho hay, doanh nghiệp đang xuất khẩu cà phê đến hơn 70 thị trường trên thế giới. Ngay từ tháng đầu năm 2023, lượng đơn hàng đã tăng trưởng 20% so với năm trước. Vì thế, vị này kỳ vọng kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 15% trong năm 2023 sẽ trong “tầm tay”.

Để đạt được kết quả trên, theo ông Lê Đức Huy, cùng với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi số và đẩy mạnh hoạt động trên TMĐT xuyên biên giới. Từ năm 2021, Simexco đã tăng lượng bán hàng và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử lớn thế giới như Amazon, Alibaba… giúp nâng cao tỷ suất lợi nhuận, thương hiệu cà phê của doanh nghiệp cũng được lan tỏa. Ông Huy còn tiết lộ, hiện Công ty có gian hàng trên Amazon dành cho thị trường Mỹ với số lượng đơn hàng rất khả quan.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Trà Ngọc Thanh Sơn cho biết, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là với các doanh nghiệp mới thành lập, nhờ TMĐT xuyên biên giới, các sản phẩm của doanh nghiệp đã được biết đến nhiều hơn, đạt được hiệu quả hơn so với việc bỏ hàng trăm triệu đồng để tham dự các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Chưa phát huy hết hiệu quả

Mặc dù tiềm năng phát triển và lợi ích của TMĐT là rất lớn nhưng thực tế cũng còn không ít thách thức khi tham gia sân chơi này khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam không phát huy được hiệu quả của TMĐT.

Ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam thông tin, người mua hàng thế giới trên sàn thương mại điện tử Alibaba đang có xu hướng chọn nhà cung cấp Việt Nam do những năm gần đây nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có sự trỗi dậy mạnh mẽ, có lợi thế hơn về mặt cung ứng, thuế quan so với Trung Quốc. Một số doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ đã hợp tác thương mại cùng Alibaba và đạt được mức tăng trưởng cao về đơn hàng, doanh thu xuất khẩu từ 70-80%.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang tiếp cận TMĐT như một kênh phụ, không có nhân viên kinh doanh trực tuyến, đăng tải sản phẩm lên gian hàng trực tuyến ít và chậm nên khó đạt được hiệu quả về mặt doanh số, đơn hàng như mong muốn.

Mặt khác, doanh nghiệp thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến; khó khăn trong việc tạo dựng niềm tin với khách hàng; các quy định cần tuân thủ của các quốc gia nhập khẩu; doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc còn chưa chuẩn hóa về nội dung và hình thức, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất; doanh nghiệp còn chưa thực sự tập trung đầu tư vào chăm sóc, xây dựng các gian hàng chất lượng trên các nền tảng TMĐT để tối ưu doanh thu và tiếp cận khách hàng...

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là do việc phát triển và ứng dụng TMĐT còn thiếu cơ chế về tài chính cũng như chính sách. Hiện vẫn chưa có quy định riêng về ứng dụng TMĐT trong hoạt động xuất nhập khẩu, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Nhằm thúc đẩy và tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận TMĐT, ông Trần Đình Toản nhận định, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, giá cả cạnh tranh. Cần đầu tư một cách bài bản, xây dựng hệ thống kênh bán hàng chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng quan điểm, ông Huy Nguyễn, Giám đốc điều hành Kardia Labs cũng đưa ra những khuyến nghị đến doanh nghiệp, nên sáng tạo hơn trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm. Việc xây dựng hình ảnh sản phẩm bằng những hình thức độc đáo là một ý tưởng giúp sản phẩm của doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng trên các sàn TMĐT.

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo