Doanh nghiệp đồ gỗ đang mở rộng hiện diện ở thị trường xuất khẩu tiềm năng (04-08-2023)
Không bị động trước những khó khăn của thị trường, ngành gỗ Việt Nam đang bắt đầu đón các đơn hàng trở lại ngay khi nhu cầu thị trường thế giới vừa manh nha hồi phục. Cùng với đó, các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, hiệp hội và doanh nghiệp, ngành gỗ đang trở lại đường đua giành vị thế trong top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết, Chế biến gỗ và nội thất những tháng đầu năm 2023 đón nhận những con số không tích cực. 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nội thất và lâm sản đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ. Dù đã được dự báo từ cuối năm 2022 nhưng việc thiếu đơn hàng khiến các nhà máy phải giảm công suất, giảm lao động thậm chí là làn sóng trả mặt bằng, nhà xưởng...

Kết quả khảo sát sơ bộ với các doanh nghiệp mà HAWA thực hiện cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng tại các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình 30% trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai cũng nhận định, thực tế giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. “So với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn”, ông Trai nói.

Đặc biệt, ông Khanh chia sẻ, trước những thách thức thời gian qua, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã không hề bị động. Một mặt, doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới. Trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh.

Cụ thể, các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.

Là thành viên của của Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới 3Horizons tại London, Anh Quốc, dựa vào kinh nghiệm ứng phó từ các đợt suy thoái kinh tế trước đây, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng cơ hội tăng trưởng vẫn có để chúng ta có thể đón đầu. Theo ông Chương, sự cộng hưởng của những biến động tiêu cực của thế giới đã khiến thế giới vận hành theo một cách thức hoàn toàn mới, luật chơi mới, nên người chơi cũng phải mới để thích ứng kịp thời.

Theo đó, ông Chương khuyến nghị, các doanh nghiệp phải kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi.

Nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường tiêu dùng đồ gỗ thế giới, Hội chợ xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất TPHCM - HawaExpo 2024 hứa hẹn tạo đòn bẩy cho hoạt động sản xuất đồ gỗ, nội thất tại Việt Nam. Hội chợ HawaExpo 2024 do Công ty Viforest Fair tổ chức và vận hành.

Quy tụ 700 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, nội thất, mỹ nghệ của Việt Nam, hội chợ sẽ diễn ra từ 6 - 9/3/2024. HawaExpo 2024 dự kiến đón tiếp 30.000 khách mua hàng, tham quan từ 200 quốc gia. Đây cũng là số lượng đông nhất trong lịch sử.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Viforest Fair, Chủ tịch HAWA chia sẻ, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tác động mạnh mẽ đến toàn ngành xuất khẩu, sự kiện lần này với những thay đổi đáng kể, quy mô đầu tư ấn tượng và đặc biệt, dựa trên nền tảng sức mạnh tổng lực của Chính phủ, hiệp hội và doanh nghiệp sẽ là một đòn bẩy cho toàn ngành cất cánh trở lại đường đua giành vị thế trong top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới.

Nguồn: HQ Online

Quảng cáo