Doanh nghiệp lo về đầu ra hơn là lãi suất cao hay thấp (29-05-2023)
Theo các chuyên gia tại chứng khoán ACBS, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối ngày 23/5 thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5% một năm, ngoài ra điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành. Quyết định giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5. Với đợt điều chỉnh mới nhất này, NHNN đã có lần thứ 3 giảm các mức lãi suất điều hành liên tiếp tính từ đầu năm nay. 

Chuyên gia ACBS Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần không phải điều kiện đủ để thúc đẩy kinh tế
 

Quyết định giảm lãi suất của cơ quan điều hành được đưa ra trong bối cảnh kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Cụ thể, các báo cáo của Chính phủ cho thấy, tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu  chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm. Ngoài ra, những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn. 

Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 diễn ra mới đây, Chính phủ đánh giá "doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi đối mặt với chi phí lãi vay cao, việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường vốn khó khăn. Điều này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh".

Theo đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 4/5/2023 chỉ tăng 2,78% cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vẫn ở khoảng 9,3%/năm.

Áp lực về vốn trong những tháng đầu năm, cả năm và năm 2024 rất lớn. Xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, nhận định về việc NHNN giảm lãi suất điều hành có tác động như nào đến nền kinh tế, theo các chuyên gia tại Chứng khoán ACBS, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

"Sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Vì vậy, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng", chuyên gia ACBS cho hay.

Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, theo ACBS, Việt Nam có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.

Chuyên gia ACBS Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần không phải điều kiện đủ để thúc đẩy kinh tế

Nhận định này cũng là có căn cứ, bởi lẽ theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng năm 2023, xuất khẩu sang các thị trường lớn đều tăng trưởng âm. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn nhất giảm 21,6%, sang Trung Quốc giảm 12,9%, sang châu Âu giảm 8,9%, ASEAN giảm 3,6%. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh lần đầu tiên trong nhiều năm. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ ghi nhận mức giảm sâu nhất (-30,6%), tiếp đến là hàng thủy sản (-29,3%), hàng dệt may (-18,1%), giày dép (-15,5%).

 

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa.

Doanh nghiệp lo về đầu ra hơn là lãi suất cao hay thấp

Các chuyên gia đánh giá việc NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ ba kể từ đầu năm cho thấy nỗ lực lớn từ phía nhà điều hành khi phải đảm bảo cùng lúc nhiều mục tiêu như vừa giảm lãi suất, vừa phải ổn định tỷ giá, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Việc hạ lãi suất điều hành cũng là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí vốn, có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn.

Trong bối cảnh cầu yếu, có câu hỏi đặt ra rằng "dù lãi suất giảm, doanh nghiệp sẽ vay để làm gì khi cầu không có". Vấn đề này cũng từng được ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đề cập đến khi trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế TP.HCM tổ chức hồi đầu tháng 5.

Theo ông, tình hình kinh tế đang thay đổi quá nhanh. Doanh nghiệp không xuất hàng được, cầu cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp.

"Cuối năm ngoái, đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay, giờ thì ngược lại, tiếp cận vốn không khó nhưng doanh nghiệp không biết nên làm gì cho hiệu quả. Họ chưa có nhu cầu vay tiền. Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng rất cần bơm vốn ra nền kinh tế, nếu ôm tiền nhiều sẽ mắc kẹt. Ngân hàng buộc phải hạ lãi suất xuống nữa", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết.

Nói riêng về doanh nghiệp tại TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hoà cho hay, khoảng 50% doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp khó khăn. Họ thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng.

Ở góc độ khác, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, doanh nghiệp sẽ vay miễn là lãi suất đủ rẻ để họ kinh doanh có lãi.

Ngoài ra cần nhớ rằng chính sách luôn có độ trễ, lãi suất cho vay hiện tại cao một phần là do ngân hàng đã huy động một lượng vốn có chi phí cao từ khoảng nửa cuối năm ngoái. Khi chi phí vốn huy động dần rẻ thì lãi suất cho vay cũng sẽ hạ dần, hỗ trợ tích cực hơn cho người dân và doanh nghiệp.

 Nguồn: Báo Thương Trường

Quảng cáo