Doanh nghiệp xuất khẩu bội thu đơn hàng từ hội chợ (09-08-2023)
Tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài là cách tốt nhất để các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm đơn hàng trong bối cảnh khó khăn.

Bội thu đơn hàng

Tại nhà máy ở Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), những ngày này công nhân Công ty cổ phần DH Foods - chuyên sản xuất các loại gia vị đang khẩn trương hoàn thành hai container gia vị để chuẩn bị xuất khẩu sang Pháp.

Trước đó, doanh nghiệp đã xuất khẩu 4 container muối sang thị trường Nhật Bản vào tháng 7 vừa qua. Các khách hàng ở Hà Lan, Séc, Pháp... cũng đã lên đơn hàng với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty Cổ phần DH Foods, bên cạnh chất lượng sản phẩm, việc tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại đã giúp sản phẩm của doanh nghiệp từng bước vươn ra thế giới.

Cũng theo ông Dũng, ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, đơn vị đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước. Nhờ đó, sản phẩm của công ty nhanh chóng được các nhà mua hàng nước ngoài đến tìm hiểu và đặt hàng. Khi công ty lớn mạnh hơn, doanh nghiệp bắt đầu tham gia các triển lãm quốc tế ở: Thái Lan, Pháp, Nhật Bản…

Thông qua các hội chợ này, nhiều khách hàng của Mỹ, Trung Quốc đã qua tận công ty để đàm phán đơn hàng. “Khi quy mô nhỏ, doanh nghiệp có thể tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước. Có nhiều hội chợ, thậm chí ở nước ngoài cũng có gian hàng miễn phí hoặc giảm giá. Doanh nghiệp đã tận dụng từ những cơ hội nhỏ nhất”, ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.

“Bằng cách làm như vậy, từng bước DH Foods đã mang gia vị Việt ra nước ngoài. Doanh thu ban đầu có thể chưa lớn, nhưng khi nhìn thấy các sản phẩm Việt Nam trên kệ các siêu thị nước ngoài, đó là sự tự hào”, CEO DH Foods chia sẻ.

Cũng chốt được đơn hàng lớn trị giá 50.000 USD với khách hàng Hy Lạp ngay tại Hội chợ Cà phê World of Coffee Athens 2023 diễn ra ở thành phố Athens - Hy Lạp vào cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Phúc Sinh đang bước sâu hơn vào thị trường châu Âu.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết ngoài thành công ở hội chợ kể trên, từ đầu năm đến nay, Phúc Sinh cũng tham gia nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế khác. Qua đó, đơn vị có thêm nhiều khách hàng ở thị trường mới như Malta, Na Uy, Colombia, Ả Rập Saudi…

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn, đơn hàng giảm sút như hiện nay, hội chợ triển lãm là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả nhất. Không chờ đợi khách hàng đưa mẫu, các doanh nghiệp tích cực chủ động tạo mẫu mã mới, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực đi tìm hiểu thị trường, gặp gỡ khách hàng và tiếp thị sản phẩm.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu rau qủa đạt tăng trưởng tích cực. Bên cạnh yếu tố về nhu cầu thị trường, vùng nguyên liệu sẵn có, còn có vai trò rất lớn của hoạt động xúc tiến thương mại. Do vậy, ông Nguyên cho rằng, doanh nghiệp muốn có thêm thị trường, đơn hàng... đòi hỏi họ phải đi nhiều hơn, tham gia các triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, tìm cách chinh phục khách hàng.

“Phải bán cái thị trường cần, không ngừng sáng tạo đổi mới sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng nếu muốn tham gia vào thị trường thế giới”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Học tập kinh nghiệm từ nhà bán hàng quốc tế

Việc tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế không chỉ nhằm mục đích tiếp cận khách hàng, mở rộng kênh xuất khẩu mà bên cạnh đó, các sự kiện kết nối giao thương này còn giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tìm hiểu thị trường, cũng như học tập kinh nghiệm từ nhà bán hàng quốc tế.

Ông Đặng Khánh Duy, CEO Công ty TNHH Tân Nhiên (Tây Ninh) cho hay, các sự kiện kết nối giao thương như Thaifex 2023 rất hiệu quả. Không chỉ giúp doanh nghiệp kết nối thêm đối tác quốc tế mà từ đó chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều về kinh nghiệm từ các nhà bán hàng quốc tế.

"Tất nhiên, việc tham gia các hội chợ sẽ không thể giải quyết ngay lập tức câu chuyện thiếu đơn hàng hiện nay của doanh nghiệp nhưng nó là nền tảng đề chúng tôi tăng trưởng lâu dài", CEO Tân Nhiên nói thêm.

Bên cạnh đó, tham gia chương trình xúc tiến thương mại lớn cũng là một cách để doanh nghiệp chứng thực mức độ uy tín của mình, từ đó tạo niềm tin để đối tác thúc đẩy quá trình hợp tác.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, từ việc kết nối, đàm phán đến phát triển mẫu, hoàn thiện mẫu… là một quy trình có thể lên đến 6 tháng. Do vậy, việc có ngay đơn hàng phần lớn là việc phụ thuộc vào may mắn. Doanh nghiệp “đi chợ” bây giờ là để có đơn hàng cho năm sau và các năm sau nữa.

Cũng theo ông Nguyễn Chánh Phương, thời gian qua, HAWA tự tổ chức hội chợ, nâng quy mô hội chợ lớn hơn, tham gia nhiều hội chợ ở nước ngoài. Nhờ tích cực tìm hiểu và đáp ứng thị hiếu thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong lẫn ngoài nước mà nhiều doanh nghiệp tìm được cơ hội giới thiệu sản phẩm, kết nối tham gia chuỗi cung ứng, đổi mặt hàng, đổi thị trường.

Tại hai hội chợ Quốc tế ngành gỗ ở Việt Nam diễn ra gần đây, theo ông Phương, số lượng nhà mua hàng đến tham quan, kết nối không hề nhỏ. “Khách đã đến nhà và bây giờ là lúc doanh nghiệp mạnh dạn bước ra thế giới. Tôi tin, đây là nước cờ, là khâu chuẩn bị cần thiết và mang tính chủ động để giải quyết bài toán kinh doanh lâu dài cho doanh nghiệp lẫn cho ngành”, ông Phương gợi mở.

 Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo