EU lên tiếng về thẻ vàng IUU và luật cấm nông sản gây phá rừng (26-06-2023)
Trong chuyến thăm của Nhóm Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN, Nghị viện châu Âu (EP) đã lên tiếng về thẻ vàng IUU, cũng như một số vấn đề liên quan đến kinh tế - thương mại, chuyển dịch năng lượng, biến đổi khí hậu và an ninh quốc phòng.

 Phái đoàn do nghị sĩ Daniel Caspary - chủ tịch nhóm - làm trưởng đoàn. Đây là phái đoàn thứ ba của EP đến thăm Việt Nam trong sáu tháng qua, sau chuyến thăm của Ủy ban đối ngoại và Hội đồng nhân quyền.
 
EU đang đánh giá tình hình thẻ vàng IUU
 
Trả lời tại buổi họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Daniel Caspary cho biết vấn đề gỡ bỏ thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam đang được xem xét và đánh giá bởi Ủy ban châu Âu (EC).
 
"EC đang đánh giá rõ ràng tình hình. Họ cũng sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ và người dân Việt Nam bị ảnh hưởng (bởi thẻ vàng IUU) để khắc phục tình hình và đáp ứng các tiêu chí của EC", ông Caspary nói.
 
Nghị sĩ Caspary cho biết thẻ vàng IUU đã được đề cập xuyên suốt các chuyến thăm của nhiều phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đến Việt Nam, song các giải pháp "vẫn phụ thuộc vào EC".
 
Từ phía EP, nghị sĩ Caspary cho biết họ "có khung pháp lý rõ ràng" và có mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU sớm nhất có thể.
 
Việt Nam có thể đáp ứng luật cấm hàng hóa gây phá rừng
 
Liên quan đến dự luật của EP về cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng, nghị sĩ Caspary cho biết các quy định này nhằm giúp EU đạt các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
 
Ông cũng bày tỏ sự lạc quan về việc Việt Nam đáp ứng quy định kể trên của EU: "Tôi được biết Việt Nam vốn đã có tiêu chuẩn rất cao trong vấn đề này. Tôi nghĩ không khó để Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn mới của EU - vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam".
 
EP cũng cho biết sẵn sàng chia sẻ thêm thông tin với Việt Nam về dự luật kể trên.
 
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc làm sao để tiếp tục tận dụng các lợi ích của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông Caspary cho biết: "Chúng ta cần đảm bảo các quy định của đôi bên không tạo thêm các rào cản thương mại. Từ phía chúng tôi là quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng có nguồn gốc gây phá rừng".
 
EP đánh giá EVFTA là một thành công có lợi cho đôi bên, khi mà xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam vào EU đã tăng tới 30%, nhiều doanh nghiệp châu Âu cũng lựa chọn đầu tư vào Việt Nam và đem các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU.
 
Tại họp báo, ông Caspary cho biết Việt Nam và EU có chung mục tiêu net zero vào năm 2050 và cả hai bên đều đang ở giai đoạn đầu của quá trình này.
 
Ông tái đề cập khoản đầu tư trị giá 10 tỉ euro cho các dự án về năng lượng tái tạo và nông nghiệp ở các quốc gia ASEAN, bên cạnh thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) đã ký với Việt Nam

Quảng cáo