Kỳ vọng đường dài cho lĩnh vực phát triển phần mềm di động (15-08-2023)
Hơn 10 năm trước, Việt Nam được ghi nhận là cường quốc về gia công phần mềm trên toàn cầu. Và hiện tại, với việc lọt vào Top 5 trên toàn cầu về lượt tải ứng dụng di động, tương ứng 4,2 tỉ lượt trên cả App Store và CH Play, các doanh nghiệp trong nước có thể kỳ vọng vào một tương lai sáng sủa cho lĩnh vực phát triển ứng dụng phần mềm di động.

Nhắm đến mục tiêu cường quốc về phát triển phần mềm di động

Cách đây 10 năm, phần mềm di động và là game (trò chơi điện tử) Việt đầu tiên đã “nổi đình nổi đám” trên toàn thế giới – được người dùng trên toàn thế giới tải về nhiều nhất trong các trò chơi vào thời điểm đó.

Cụ thể, vào tháng 1-2014, Flappy Bird là một trò chơi điện tử trên điện thoại và máy tính do Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên ở Hà Nội phát triển đã được nhiều người dùng trên thế giới tải về nhiều nhất trên hai kho ứng dụng di động lớn nhất thế giới là App Store cũng như Google Play. Sau đó người Việt mới biết về việc Việt Nam có phần mềm game đứng đầu thế giới.

Mặc dù Flappy Bird  là trò chơi điện tử được phát hành miễn phí, người chơi không phải trả tiền khi tải về như một số trò chơi và ứng dụng di động khác. Song tác giả của phần mềm này ngày cao điểm vẫn thu về mỗi ngày tiền tỉ từ quảng cáo (đây là con số mà truyền thông Việt suy đoán chứ tác giả chưa từng công bố).

Sau hiện tượng Flappy Bird, các doanh nghiệp, bạn trẻ Việt Nam đã được truyền cảm hứng về phát triển phần mềm di động và đẩy mạnh xu hướng này. Zalo cũng là một trong những phần mềm di động hiện đang được người Việt tải và sử dụng hằng ngày nhiều. Điều này dễ thấy khi hầu hết người Việt đều sử dụng Zalo.

Còn theo báo cáo “The Connected Consumer Q4 2022” do MMA Việt Nam và Decision Lab công bố mới đây, Zalo là ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất Việt Nam 2022. Thậm chí trong các nền tảng nhắn tin hàng đầu Việt Nam, Zalo dẫn đầu với tỉ lệ sử dụng là 87%, Facebook với 72%, Messenger là 58% và Instagram chiếm 15%. Zalo là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được ưa chuộng nhất Việt Nam từ năm 2020 đến nay. Năm 2020 là năm đầu tiên mà Zalo vượt qua Facebook Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin có tỷ lệ người dùng cao nhất Việt Nam).

Kết thúc năm 2022, dân số của Việt Nam là 99,46 triệu người. Số liệu từ Zalo cho biết, tính đến cuối năm 2022 có 74 triệu người dùng thường xuyên, tương đương với 74% dân số.

Ứng dụng Zalo cũng 2 năm liên tiếp (2021 và 2022) lọt top 20 ứng dụng được yêu thích nhất trên Apple Store. Bảng xếp hạng này do nhóm biên tập của App Store toàn cầu lựa chọn dựa trên tiêu chí lượt tải, công nghệ, thiết kế…

Thực tế cho thấy, Flappy Bird, Zalo đã góp phần đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mạnh về phát triển phần mềm di động, game theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Cụ thể, tại sự kiện Google Think Apps do công ty Google được tổ chức mới đây, ông Marc Woo, Giám đốc Google Việt Nam cho biết, ngành ứng dụng và game của Việt Nam đang khẳng định vị thế ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Dẫn báo cáo của DataAI & AppMagic, ông Marc Woo cho hay từ giai đoạn 2019 đến quí 1 năm nay cho thấy Việt Nam đã nhảy vọt từ Top 15 lên Top 5 trên toàn cầu về lượt tải ứng dụng di động, tương ứng 4,2 tỉ lượt trên cả App Store và CH Play. Tốc độ tăng trưởng của ngành ứng dụng của Việt Nam cũng nhanh gấp 2,5 lần so với tốc độ trung bình của các quốc gia khác trên thế giới.

Việt Nam cũng có 93 công ty sở hữu 171 ứng dụng từng ít nhất một lần nằm trong top 10 ứng dụng được tải xuống nhiều hằng tuần trên Play Store. Trong số 50 công ty toàn cầu có lượt tải ứng dụng nhiều nhất năm 2022 (vượt mốc 100.000 lượt tải xuống), Việt Nam có bốn đại diện, nhà phát triển gồm Falcon Global, ABI Global, Zego Global và Rocket Studio.

Năm 2022, doanh thu từ tính năng mua trực tiếp trong ứng dụng (In App Purchase) toàn cầu giảm 2%, nhưng các ứng dụng do Việt Nam phát triển lại tăng ở mức 20%. Việt Nam đã và đang nổi lên như một trung tâm dành cho các nhà phát triển hàng đầu, củng cố danh tiếng là một cường quốc trong ngành phát triển ứng dụng.

Không chỉ nguồn số liệu được cung cấp từ Google, trong báo cáo về triển khai chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào ngày 15-7 vừa qua cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, người dùng Việt Nam chi hơn 100 triệu đô la Mỹ (2.300 tỉ đồng) cho các giao dịch trong ứng dụng di động. Doanh thu giao dịch trực tuyến qua ứng dụng di động (in-app purchase) của thiết bị iOS cao gấp 1,5 lần Android. Doanh thu tổng trên hai nền tảng trung bình 20 triệu đô la Mỹ mỗi tháng.

Báo cáo cũng cho thấy tổng số lượt tải ứng dụng từ ViệtNam đạt 1,41 tỷ, trong đó số lượt tải từ Android chiếm 75%. Thị trường Việt chiếm 2,2% số lượt tải ứng dụng toàn cầu, giảm nhẹ so với mức 3,4% cùng kỳ 2022, nhưng cao hơn 2021.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu lĩnh vực ứng dụng di động tại Việt Nam có thể đạt 865 triệu đô la Mỹ năm 2022 và tăng lên 982 triệu đô la Mỹ vào 2023.

Phần mềm di động sẽ là trụ cột của ngành công nghiệp phần mềm

Gần đây, nhiều báo cáo nghiên cứu được công bố cho thấy, phát triển phần mềm di động có tiềm năng trở thành một trong những trụ cột của ngành phần mềm Việt. Tuy nhiên, để  lĩnh vực này có thể phát huy được tiềm năng thì cần phải chú trọng khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) và đầu tư cho hoạt động đào tạo nhân lực.

Số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (VINASA) cho thấy, ngành phần mềm Việt Nam đã tăng trưởng doanh thu hơn 300 lần sau 20 năm, đạt 148 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Ngành phần mềm đang chuyển đổi từ gia công (chỉ nhận làm một quy trình trong khâu sản xuất phần mềm) sang bán sản phẩm hoàn thiện ra nước ngoài, phát triển ứng dụng di động.

Năm 2003, ngành phần mềm Việt Nam ở giai đoạn phát triển đầu tiên. Toàn ngành lúc đó chỉ có doanh thu 500 triệu đô la Mỹ với khoảng 5.000 nhân lực. Đến năm 2022, ngành này đạt doanh thu 148 tỉ đô la với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp hơn 300 lần về doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nhân lực.

Sau 20 năm nỗ lực của các doanh nghiệp phần mềm, hiện Việt Nam đã có thứ hạng cao trong “bản đồ” gia công phần mềm của thế giới.

Tại một sự kiện được tổ chức gần đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA cho rằng, 20 năm trước, ngành phần mềm Việt gần như chưa phát triển nhưng giờ “bức tranh” đã hoàn toàn thay đổi. Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu phần mềm.

Cũng phát hiểu tại một sự kiện được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc ngành phần mềm trong 20 năm tăng trưởng gần 300 lần có thể được xem là một câu chuyện thần kỳ.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, kinh tế Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào kinh tế số (sẽ chiếm tới 20-25% GDP vào năm 2025). Ngành phần mềm của Việt Nam thời gian tới phải tạo ra sự phát triển của kinh tế số – phải trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Ngành kinh tế này sẽ là động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21, sản xuất được sản phẩm và bán ra nước ngoài chứ không chỉ gia công.

Thực tế cho thấy, trước đây các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cơ bản chỉ thực hiện một số công đoạn trong quy trình sản xuất phần mềm theo đặt hàng của nước ngoài. Giờ đây, vị thế của doanh nghiệp đã được cải thiện, đã nâng tầm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khi dần làm chủ được công nghệ, các công ty đã chuyển mình sang hướng đổi mới, sáng tạo để tư vấn cho khách hàng nhằm tìm các giải pháp tối ưu nhất.

Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ Việt đưa sản phẩm ra nước ngoài, từ vài năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam). Chính sách cho ngành CNTT là mảng chính sách được Nhà nước ưu đãi. Ví dụ, với chính sách về hoạt động công nghiệp phần mềm, các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu tiên và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo.

Về không gian làm việc cho các doanh nghiệp, tại các khu CNTT tập trung, bên cạnh các ưu đãi chung của ngành, các doanh nghiệp còn được hưởng mức chi phí thuê mặt bằng thấp hơn so với bên ngoài. Trong khuôn khổ khu CNTT, doanh nghiệp còn được hưởng các dịch vụ cộng thêm và tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực này.

Được biết trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát để tối ưu hóa các chính sách, thúc đẩy mạng lưới khu công nghiệp CNTT tập trung để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Hiện Việt Nam có khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Đối ngoại (Bộ Công thương) để các doanh nghiệp công nghệ số có mặt trong các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Chia sẻ tại Diễn đàn Make in Việt Nam được tổ chức gần đây, ông Joseph Saib, tổng giám đốc Công ty Tel.red (Mỹ), cho rằng khát vọng mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang nuôi dưỡng cũng giống như ước mơ của các doanh nghiệp Mỹ ở thung lũng Silicon vài thập niên trước đây. Ấn Độ có thể là một bài học cho Việt Nam khi họ cũng từng mạnh về việc gia công phần mềm, trước khi có sự tích lũy và vươn lên thay đổi thứ hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng chia sẻ thông tin tại diễn đàn trên, ông Hoàng Tuấn Hải, Tổng giám đốc VMO, một doanh nghiệp phần mềm, nêu quan điểm về việc mở văn phòng tại nước ngoài để đẩy mạnh khai thác thị trường quốc tế. Ông đề xuất nhà nước mở các trung tâm (hub) về công nghệ giúp doanh nghiệp kết nối ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mô hình đào tạo liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để từ đó đưa các chương trình đào tạo vào thực tiễn.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những rào cản để phát triển ngành phần mềm trong thời gian tới là thiếu hụt kỹ sư phần mềm và cần phải khắc phục tình trạng này.

Theo khảo sát mới đây của TopCV với hơn 2.200 doanh nghiệp và hơn 3.000 người lao động, kết thúc năm 2022, công nghệ thông tin, phần mềm là 1 trong 3 vị trí được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất. Nhưng đây cũng là 3 vị trí khó tuyển dụng và giữ chân nhân sự nhất.

Còn báo cáo của một nền tảng tuyển dụng khác là TopDev mới đây cũng cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực phần mềm và CNTT tại Việt Nam đang tăng lên. Trong khi đó, lượng kỹ sư CNTT lại đang thiếu hụt.

Theo số liệu từ Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), 92% doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,3% (còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Tuy nhiên, 92% doanh nghiệp siêu nhỏ lại chỉ nắm 2,64% doanh thu toàn ngành công nghệ số, trong khi 0,3% doanh nghiệp lớn nắm đến 58,25% doanh thu toàn ngành. Điều đó cho thấy rằng, nhu cầu lớn về nhân sự chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn; kéo theo là những tiêu chuẩn chuyên môn, yêu cầu về kỹ năng, thái độ làm việc cũng cao hơn; điều mà sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật nước ta còn thiếu. Mặt khác, tiêu chuẩn tốt nghiệp của sinh viên tại trường học đôi khi còn vênh với tiêu chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.

Một trong những điểm yếu dẫn tới hạn chế về khả năng xin việc của lao động ngành CNTT là ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài gồm các lĩnh vực đang rất cần nhân lực lao động về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an toàn thông tin… nhưng ngoại ngữ lại trở thành rào cản đối với các kỹ sư CNTT Việt Nam. Vì vậy, nâng cao trình độ ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, điều này còn góp phần củng cố sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp trong nước đã và đang tiến ra thị trường quốc tế. 

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Quảng cáo