Sản xuất công nghiệp Yên Bái: Cần giải pháp thúc đẩy tăng trưởng (12-07-2018)

Sắp bước qua nửa chặng đường của kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2018, kết quả cho thấy tuy có sự phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

 

 

 

 

Khai thác đá ở Lục Yên, Yên Bái

Bắt tay vào thực hiện kế hoạch năm 2018, ngành công nghiệp Yên Bái gặp không ít khó khăn bởi giá cả vật tư đầu vào tăng trong khi sức mua không tăng, dẫn đến sản phẩm ế thừa; thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình xây dựng trên địa bàn không nhiều...

Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi khiến cho nhiều doanh nghiệp có sản phẩm mũi nhọn gặp khó. Đơn cử như: chè thành phẩm khó tiêu thụ nên các công ty sản xuất, chế biến chè cũng chật vật tìm đầu ra. Một số dự án công nghiệp trọng điểm mới trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa đi vào sản xuất. Ngoài thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt khó, sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái vẫn đạt được mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng ước đạt 3.573 tỷ đồng, bằng 37,6% kế hoạch, tăng 6,4% so cùng kỳ.

Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 317 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.806 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước đạt 425 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 23 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ.

Nhìn lại sản xuất công nghiệp 5 tháng qua cho thấy, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ là ngành khai thác quặng kim loại tăng 2 lần (do sản lượng khai thác tăng cao ở mỏ sắt Làng Mỵ thuộc Chi nhánh Công ty Phát triển số 1, Công ty TNHH Tân Tiến; ngành sản xuất đồ uống tăng 51,6% chủ yếu tăng ở sản phẩm nước uống tinh khiết; ngành dệt tăng 17,7%; sản xuất trang phục tăng 10,2%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại tăng 51% (tăng sản lượng ở Công ty TNHH Sơn dẻo nhiệt Synthetic); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 30,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,3%.

Ngoài các ngành có mức tăng trên thì một số ngành công nghiệp giảm so với cùng kỳ là khai thác đá giảm 25,2% (Công ty TNHH Ngọc Tâm chuyển sang dịch vụ khai thác đá); ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 10,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 12,5%; sản xuất hóa chất (sơn, véc - ni) giảm 52,0%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 23,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 63,6%. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 6,2%.

Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5 năm 2018 có mức tiêu thụ tăng 2,6% so với tháng trước, cộng dồn 5 tháng tăng 5,3% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: tinh bột sắn tăng 76% (sản phẩm tiêu thụ của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái); sản xuất thực phẩm khác chưa phân vào đâu tăng 31%; sản xuất trang phục tăng 41,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 1 lần.

Các sản phẩm có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ là chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 36,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 61,8%; sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu giảm 15,5%; bột đá giảm 15,5%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp cộng dồn đến hết tháng 5/2018 tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó, ngành khai khoáng tăng 9,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,8% do các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định nên sử dụng ít lao động; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.

Như vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2018 đạt mức tăng 6,2% cho thấy mức tăng chưa cao. Để sản xuất công nghiệp duy trì được nhịp độ phát triển, các cấp, ngành cần có biện pháp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp nhất là vấn đề về vốn, tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như: sản xuất điện, xi măng, chế biến gỗ, sản xuất giấy đế, giấy vàng mã, sản xuất bột đá, đá xẻ...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó, giữ vững thị trường tiêu thụ đã có, khai thác triệt để thị trường tiêu thụ nội địa và chủ động nắm bắt những cơ hội mới trong hoạt động sản xuất.

Nguồn: Phòng KHTH

Quảng cáo