Thế giới biến đổi tác động thế nào tới kinh tế vĩ mô Việt Nam? (01-06-2023)

Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, vượt khỏi dự báo. Nhiều thách thức đặt ra cho các nước, Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động đó.

Để thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế, chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp".

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ: Cuối năm 2021 và năm 2022, chúng ta kỳ vọng sau khi vượt qua dịch COVID-19, các nền kinh tế sẽ đến thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tiễn không như dự báo, thậm chí có những yếu tố như những cuộc xung đột chính trị, tài chính - tiền tệ… đã làm chậm đi quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái.

Trước câu hỏi: Các yếu tố bên ngoài, môi trường quốc tế ảnh hưởng thế nào tới nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, ông Phương cho rằng: Một số nhân tố trên thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô của các nước, trong đó yếu tố lạm phát là yếu tố lớn, xuất phát từ Mỹ, châu Âu, tác động lan toả trên toàn cầu.

Nhiều nước phải bung ra các giải pháp ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, đặc biệt là giải pháp tài khoá, tiền tệ. Fed liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, các ngân hàng Trung ương của châu Âu và các nền kinh tế lớn đều có động thái tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp nêu trên khiến chúng ta phải đối mặt với giảm sút về tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ. Qua nhận xét của các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế vĩ mô, điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khoá ở mức hợp lý. Đơn cử như vấn đề tỉ giá, lãi suất, chúng ta có điều chỉnh nhưng ở biên độ phù hợp, không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô.

>>> Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài và phải tìm cách vượt qua trong thời gian tới, như: Cầu thế giới giảm mạnh; lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và một vài lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất… Đó là khó khăn trước mắt chúng ta phải đối diện từ nay đến cuối năm.

Trước bối cảnh khó lường trên thế giới, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng có một điểm đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt, “bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước” TS. Vũ Minh Khương cho hay.

Điều ông Vũ Minh Khương nhấn mạnh là: “khó khăn rõ ràng tạo ra tâm lý ức chế cho doanh nghiệp. Nhìn vào sự thật, không phải do điều hành của Chính phủ, mà là mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay”.

Lấy ví dụ về xuất khẩu tôm, thủy  sản giảm, cạnh tranh quốc tế tăng, ông Khương chia sẻ: “Tôi đi các nước giảng bài hay nói về kinh nghiệm của Việt Nam đầu tiên. Bangladesh, Ấn Độ xuất khẩu 7 tỷ USD, muốn lên 15 tỷ USD nên họ nắm bắt rất nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Còn ta vẫn chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, chưa có đột phá cơ bản. Đây là điều ta phải chú ý, đến lúc phải nhìn nhận lại căn bản về nâng cao mô hình tăng trưởng thời gian tới”.

Cũng theo ông Khương, các địa phương có sự trưởng thành nhanh chóng, có hoài bão lớn đóng góp cho hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam phồn vinh vào 2045. Lãnh đạo các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đều rất lắng nghe, mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước để áp dụng vào phát triển đất nước.

“Ta đang bước vào giai đoạn mới tăng trưởng, đòi hỏi đột phá mới về tư duy cũng như  ý thức xây dựng quốc gia hiện đại trong 2-3 thập kỷ tới”, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận định.

Đồng thời, đánh giá về nỗ lực, các biện pháp ứng phó của Việt Nam để ổn định kinh tế vĩ mô, TS. Vũ Minh Khương cho hay: Ứng đáp của Việt Nam rất nhạy bén, tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp các nhà đầu tư quốc tế yên tâm.

>>> Tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô

Tuy đã đánh giá kinh tế vĩ mô tích cực, thúc đẩy tăng trưởng, nhưng vẫn còn những vấn đề ông Khương băn khoăn như về vấn đề điện. Ông nhận định: ứng đáp của chính quyền là chưa đủ, mà cần sự đồng hành mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Khu vực này chưa có biện pháp thỏa đáng, cần giải quyết ngay, dồn toàn lực giải quyết. Ví dụ vấn đề điện tái tạo dù chưa chuẩn nhưng đúng hướng, cần giải quyết, không để tình trạng thiếu điện...

“Bức tranh tổng thể ứng đáp chung là đúng, tốt, nhưng hệ sinh thái ứng đáp với thách thức vượt ngoài khả năng bộ, ngành cụ thể hay Chính phủ, mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị, bao gồm cả các doanh nghiệp, cùng bàn thảo để giải quyết bài toàn lớn”, TS. Vũ Minh Khương nhận định.

Nguồn: Diễn đàn Doanh Nghiệp

Quảng cáo