Tìm giải pháp chưa có tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp (07-06-2023)
Trước những khó khăn chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai đề xuất cần có biện pháp chưa có tiền lệ để ủng hộ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông đánh giá như thế nào về khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?

Trong gần 3 năm qua, chưa bao giờ doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn như vậy. Khó khăn này chưa xử lý xong thì lại liên tiếp đến khó khăn khác nên khả năng chèo lái để trụ vững của cộng đồng doanh nghiệp cũng như những hỗ trợ từ các cơ quan của Chính phủ thời gian qua là rất đáng ghi nhận, đặc biệt là cả bộ máy đã phải rất vất vả để điều hành nền kinh tế.

Hiện khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến nhiều vấn đề, không chỉ là thị trường xuất nhập khẩu, vấn đề đầu vào – đầu ra của hàng hóa mà còn ở nội tại sức khỏe, sức chống chịu của doanh nghiệp. Sức khỏe của doanh nghiệp đang rất yếu, trong khi dòng vốn được coi là máu của doanh nghiệp thì khó tiếp cận, nên rất khó để thực hiện các chiến lược kinh doanh, phục hồi sản xuất.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này cũng đã nêu, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng vốn. Vấn đề thị trường không thể giải quyết ngay vì còn phụ thuộc vào bối cảnh thế giới, hơn nữa, thị trường quốc tế khó khăn thì doanh nghiệp có thể chuyển hướng về thị trường nội địa. Trong khi đó, ngân hàng và tín dụng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các đại biểu Quốc hội và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ đạo.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường có giảm, nhưng mức giảm của lãi suất cho vay và sức hấp thụ vốn đối với doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu. Lãi suất cho vay vẫn trên 10%/năm, chưa tính các chi phí khác thì doanh nghiệp không thể trụ vững được. Do đó, hệ thống tổ chức tín dụng phải hết sức chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.

Trước những khó khăn nêu trên, theo ông, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp nào để hỗ trợ?

Tất cả ảnh hưởng từ kinh tế - xã hội đều gắn với doanh nghiệp. Nếu có giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển thì sẽ giúp doanh nghiệp quay trở lại nộp thuế cao, tăng thu ngân sách nhà nước, hỗ trợ người lao động có thu nhập tốt. Trong khi đó, thực tế cho thấy, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp phá sản lớn hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới nên mọi chỉ số về xuất nhập khẩu, thu ngân sách đều bị ảnh hưởng… Điều này đặt ra sự cần thiết phải có những ưu tiên nhất định cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất.

Trước đây, trong bối cảnh cả nền kinh tế phải chống dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nhiều giải pháp, biện pháp chưa từng có tiền lệ nên trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp nêu trên thì cũng cần các giải pháp thực sự quyết liệt, nếu cần thiết thì có thể đưa ra những giải pháp chưa có tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chẳng hạn, về tín dụng, Chính phủ có thể đưa ra yêu cầu lãi suất cho vay phải giảm xuống dưới 10%/năm, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, giảm gánh nặng chi phí lãi vay. Hơn nữa, khi cung cấp tín dụng, nếu doanh nghiệp nhiều lao động, đóng góp lớn cho ngân sách thì có thể phê duyệt vốn vay nhanh, giảm căn cứ vào tiêu chí không có nợ xấu để cho vay. Mặc dù đúng là hệ thống tổ chức tín dụng phải phòng ngừa rủi ro, nhưng có những thời điểm chúng ta phải chấp nhận để cứu doanh nghiệp còn hơn để doanh nghiệp chết thì không thể cấp cứu được nữa.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu thành lập một quỹ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp tương tự như quỹ vắc xin Covid-19 hiện đang vận hành. Các quỹ này sẽ giúp hỗ trợ ngay các doanh nghiệp về vốn, nhất là doanh nghiệp sản xuất, đồng thời phải cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính cũng là vấn đề phải có những chỉ đạo quyết liệt hơn.

Thị trường xuất khẩu khó khăn, đơn hàng giảm sút, có đề xuất cho rằng nên hỗ trợ để doanh nghiệp quay lại thị trường trong nước, ông nhận xét như thế nào về đề xuất này?

Các doanh nghiệp không thể quay lập tức 180 độ từ thị trường xuất khẩu sang phục vụ thị trường trong nước. Do đó, vấn đề này cần giải pháp trực tiếp và gián tiếp để thúc đẩy thị trường, kích cầu tiêu dùng. Chúng ta hiện đã có các giải pháp về bình ổn giá, sắp tới đây Quốc hội sẽ phê duyệt chính sách giảm thuế GTGT 2%... từ đó sẽ giúp ổn định thị trường, kích thích tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, những sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước sản xuất được, nếu thị trường có nhu cầu lớn, thì phải có các chương trình xúc tiến thương mại để tăng cầu nội địa, kể cả du lịch, dịch vụ.

Hiện tôi đánh giá cao chính sách giảm thuế GTGT. Đây là chính sách tài khóa rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, các lĩnh vực kinh tế khác nếu được tháo gỡ thì cũng giúp hỗ trợ thị trường. Chẳng hạn như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ đó kéo theo các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sắt thép… đi cùng. Những vấn đề này cần sự điều hành phù hợp, linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan

Quảng cáo