Mỗi sản phẩm nông sản trên sàn đều mang trong mình câu chuyện về nơi mà sản phẩm đó được nuôi trồng và sản xuất. Thông qua mỗi câu chuyện, người tiêu dùng không chỉ hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quy trình sản xuất mà còn kết nối họ với những giá trị “nảy sinh” từ tình cảm, tâm huyết, công sức của chính người nông dân “một nắng hai sương” tạo ra sản phẩm. Đây cũng chính là những giá trị mà nongsan.buudien.vn và Bưu điện Việt Nam đang hướng đến.
Việc nhấn mạnh đặc điểm vùng miền không chỉ tạo dựng giá trị văn hóa mà còn giúp sản phẩm ghi điểm trong lòng khách hàng. Những người tiêu dùng yêu thích sự nguyên bản, chất lượng từ thiên nhiên và quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sẽ cảm thấy tự hào khi sở hữu sản phẩm mang đậm dấu ấn của nơi sản xuất.
Một yếu tố nữa giúp tạo nên câu chuyện thương hiệu cho nông sản trên nền tảng nongsan.buudien.vn chính là làm nổi bật tính hữu hạn của sản phẩm, tức là sự khan hiếm và độc đáo của nó. Chẳng hạn, Cam Cao Phong chính vụ vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Đây là thời điểm sản phẩm “đẹp nhất” cả về hình thức lẫn chất lượng và cũng mang lại giá trị cao nhất. Tính mùa vụ này vừa mang đến cho người tiêu dùng những trái cam chất lượng nhất mà còn khiến họ cảm nhận được sự đặc biệt khi có thể thưởng thức một thứ quả đặc sản vào đúng chính vụ. Tính hữu hạn này cũng giúp xây dựng một câu chuyện về sự chăm sóc tỉ mỉ trong sản xuất và sự độc đáo không thể thay thế của sản phẩm.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản trên các sàn thương mại điện tử không chỉ chú trọng vào câu chuyện sản phẩm mà còn phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố bao bì. Bao bì chính là “mặt tiền” của sản phẩm, là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm của người tiêu dùng. Trên các sàn thương mại điện tử, nơi người tiêu dùng không thể trực tiếp sờ, ngửi hay cảm nhận sản phẩm, bao bì đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng sự tin tưởng và ấn tượng ban đầu. Bao bì không chỉ cần bảo vệ sản phẩm mà còn phải truyền tải thông điệp về chất lượng và bản sắc của sản phẩm. Một bao bì đẹp mắt, sáng tạo và phù hợp sẽ tạo ra cảm giác hấp dẫn và đáng tin cậy, giúp khách hàng dễ dàng quyết định mua sản phẩm.
Theo đại diện Trung tâm Kinh doanh nông sản và thương mại điện tử, Bưu điện Việt Nam - đơn vị vận hành nền tảng nongsan.buudien.vn: Hiện nay các hộ sản xuất nông nghiệp hay các hợp tác xã dường như đang dồn sức vào nâng cao chất lượng sản phẩm mà chưa thực sự chú ý đến mẫu mã và bao bì sản phẩm, cũng như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Ngay cả những logo, thông tin trên bao bì cũng đơn giản, thiếu sáng tạo, chưa thực sự phù hợp. Điều này cũng sẽ khiến cho các sản phẩm mất dần ưu thế so với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập hoặc các sản phẩm của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
“Thực tế, nông sản Việt Nam rất phù hợp để làm quà biếu, tặng, đặc biệt là các sản phẩm OCOP hoặc là đặc sản vùng miền. Mỗi sản phẩm trên nongsan.buudien.vn không đơn thuần một nông sản, đặc sản OCOP, có chất lượng vượt trội mà sẽ trở thành một món quà tặng thực sự giá trị và ý nghĩa, thể hiện được tâm ý, sự trân trọng của người tặng. Bởi vậy, chúng tôi chú trọng nhiều vào khâu thiết kế bao bì. Chất lượng bao bì được tổng hòa từ nhiều yếu tố: phù hợp với đặc tính sản phẩm; đảm bảo yếu tố thẩm mỹ; an toàn trong quá trình vận chuyển. Điều này giúp gia tăng sự hiện diện của nông sản trong thị trường quà tặng, mở rộng cơ hội tiêu thụ và khai thác tối đa giá trị của nông sản” - đại diện Trung tâm cho biết thêm.
Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản qua nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là đối với những nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản như nongsan.buudien.vn không chỉ tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp mà còn mở ra những tiềm năng phát triển lâu dài. Việc tận dụng các công cụ marketing sáng tạo, kết hợp với việc xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo và ứng dụng công nghệ hiện đại, sẽ giúp nông sản Việt Nam ngày càng khẳng định thương hiệu và vươn xa hơn. Điều này giúp nâng cao giá trị sản phẩm đồng thời góp phần tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức sản xuất, tiêu thụ và phát triển ngành nông sản Việt Nam trong tương lai.