Xuất khẩu gỗ và sản phẩm tăng mạnh trên 50% (07-03-2024)
Gỗ và sản phẩm là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tính trong 1,5 tháng đầu năm 2024.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 354 triệu USD (trong đó sản phẩm gỗ đạt 217 triệu USD).

Năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm chỉ đạt gần 13,5 tỷ USD, giảm tới 15,9% so với năm 2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.

Tính chung từ đầu năm đến 15/2, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt kim ngạch hơn 1,82 tỷ USD (trong đó sản phẩm gỗ đạt hơn 1,24 tỷ USD), tăng tới 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 600 triệu USD).

Đây là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tăng trưởng ấn tượng của nước ta trong hơn 1 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, với kết quả trên, gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô đầu tiên của lĩnh vực nông nghiệp (tính chung các mặt hàng nông, lâm, thủy sản).

Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 821 triệu USD (cập nhật theo thị trường của Tổng cục Hải quan hết tháng 1/2024), tăng 123,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 170 triệu USD, tăng 35,3%; Nhật Bản với 163 triệu USD, tăng 27,3%; Hàn Quốc với 70 triệu USD, tăng 9,7%...

Tại buổi tọa đàm giới thiệu Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 – VIFA EXPO 2024 (tổ chức ngày 20/2/2024 tại TPHCM), ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI TPHCM) cho biết, tín hiệu phục hồi của xuất khẩu gỗ bắt đầu từ những tháng cuối năm 2023.

Cụ thể, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm so với năm 2022, song vẫn có những thị trường tăng trưởng tốt như Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy tăng 52%...

Đặc biệt, từ tháng 12/2023, sự phục hồi thể hiện rõ hơn khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nội thất ghi nhận mức tăng trưởng tới 10%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước...

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Liêm đánh giá thị trường vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn khi xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò hết sức cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nguồn: HqOnline

Quảng cáo