Xúc tiến thương mại ngành gỗ: Phải triển khai ở cả cấp quốc gia, hiệp hội và doanh nghiệp (21-07-2023)
Công tác xúc tiến thương mại ngành gỗ cần được triển khai ở cả cấp quốc gia, hiệp hội và doanh nghiệp để vực dậy xuất khẩu ngành hàng này.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành gỗ.

 
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

2 quý đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sụt giảm 2 con số. Xin ông chia sẻ những điểm đáng chú ý trên bức tranh xuất khẩu của ngành thời gian qua?

Ngành công nghiệp gỗ những năm gần đây đã có sự phát triển rất cao và có sự bứt phá. Chúng ta cũng đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu lớn của thế giới. Song trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu sản phẩm gỗ sụt giảm khá mạnh. Nếu như kim ngạch xuất khẩu chung giảm khoảng 12% thì xuất khẩu gỗ giảm gần 30%. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có thể xuất khẩu được 20 tỷ USD gỗ và sản phẩm từ gỗ, song đến thời điểm này chúng ta phải tính toán lại mục tiêu.

Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sụt giảm là thị trường Hoa Kỳ - thị trường chủ lực của ngành gỗ đã giảm 35% về kim ngạch do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020 và đến nay, sau 7 lần trì hoãn thì Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Tuy nhiên, tôi tin rằng khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Nhìn chung, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai và khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn như vậy, giải pháp được các Hiệp hội và doanh nghiệp đưa ra nhằm hạn chế đà suy giảm, duy trì mục tiêu tăng trưởng là gì, thưa ông? Đặc biệt là các giải pháp xúc tiến thương mại?

Thời gian qua, ta đã ký nhiều Hiệp định FTA. Trong đó có Hiệp định VPA/FLEGT hay còn gọi là Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Ta cũng ký thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ để xử lý việc loại bỏ hoàn toàn gỗ khai thác bất hợp pháp khỏi chuỗi cung. Chúng ta cũng đang chuẩn bị thực hiện có hiệu quả những quy định gần đây của EU như 14/5, EU đã thông qua quy định không gây mất rừng và không suy thoái rừng mà ta đang kiên quyết thực hiện.

Ở cấp quốc gia, nhìn chung, các giải pháp chủ yếu tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần nhiều giải pháp hơn để gỗ Việt có thương hiệu trên thế giới. Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và truyền đi thông điệp rất rõ ràng là Chính phủ, doanh nghiệp, người dân Việt Nam đã làm nhiều việc để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển xanh, góp phần hình thành một ngành công nghiệp gỗ có trách nhiệm, góp phần giảm mất rừng trên toàn cầu.

Đối với xúc tiến thương mại, gần đây, chúng tôi đã thành lập 1 công ty tổ chức hội chợ của 5 hiệp hội Việt Nam như Hiệp hội Gỗ Việt Nam và các Hiệp hội Gỗ địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định. Đây là công ty chuyên tổ chức hội chợ trong nước và quốc tế để làm sao tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm gỗ.

Về phía doanh nghiệp, hiện nay, khi đơn hàng không có, nhiều doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, giảm công nhân, giảm giờ làm, duy trì mức độ sản xuất nhất định để chờ thời gian phục hồi sản xuất trở lại. Hiện nay đang là giai đoạn doanh nghiệp cần nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng nóng. Doanh nghiệp cần hiểu rằng thời gian qua, ta đã phát triển nóng theo chiều rộng, dựa nhiều vào nhân công giá rẻ. Trong tương lai gần, ta không còn lợi thế đó mà cần phải tăng cường ứng dụng máy móc, sử dụng lợi thế từ cuộc cách mạng 4.0 mang lại để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoặc hiện nay có tình trạng ta chủ yếu gia công và xuất khẩu qua các nhà buôn lớn mà chưa có được các thương hiệu. Vậy thì doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng thương hiệu vì đây là con đường lâu dài.

Được biết, hiện nay, đơn hàng xuất khẩu gỗ đã bắt đầu có trở lại, đây là thông tin tích cực cho ngành gỗ. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó khi lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, châu Âu vẫn đang đứng ở mức cao, chi tiêu cá nhân bị thắt chặt, thị trường bất động sản trầm lắng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu trong năm 2023. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có kiến nghị gì để xuất khẩu gỗ gặp thuận lợi hơn trong thời gian tới, đặc biệt trong công tác xúc tiến thương mại?

Chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới. Gỗ và sản phẩm từ gỗ đã có mặt trên 140 thị trường khác nhau. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần rất tích cực cho thành tích đó. Tuy nhiên, các giải pháp xúc tiến thương mại từ trước đến nay ta vẫn làm lại chưa đủ lớn, mạnh và hiệu quả. Cho nên chúng tôi nghĩ xúc tiến thương mại nên được triển khai ở cả cấp quốc gia, cấp hiệp hội và doanh nghiệp cụ thể.

Ở cấp quốc gia, các giải pháp xúc tiến thương mại cần được thực hiện để làm sao tăng thương hiệu, uy tín, lòng tin của khách hàng với sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các bạn hàng trên thế giới thường sẽ soi rất kỹ nguyên liệu đầu vào của ngành. Hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia bằng mọi cách phải phát đi thông điệp là doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang kiên trì theo đuổi thương mại xanh, công nghiệp xanh.

Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại tầm hiệp hội, lâu nay chúng ta đã làm nhưng chưa đủ tầm vóc. Chúng tôi cũng đã có những kế hoạch cụ thể và sẽ tích cực tổ chức hội chợ trên toàn quốc và vùng miền chứ không chỉ gói gọn tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Vì ngành công nghiệp gỗ đang phát triển cả ở phía Bắc và có đang sự dịch chuyển từ Đông Nam Bộ ra các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các tỉnh phía Bắc là nơi có nguyên liệu rừng trồng dồi dào, nhân công tương đối rẻ. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại cấp hiệp hội sẽ còn được thực hiện cả ở Hà Nội và phía Bắc để nhiều người quan tâm đến ngành gỗ có thể tiếp cận được với thông tin.

Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến 340 làng nghề gỗ ở Việt Nam. Ở mức độ nhất định, họ cũng có thể tham gia chuỗi cung ứng gỗ trong nước và toàn cầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn cho đối tượng này để làm sao tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp đầu chuỗi, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp thì cần có sự đầu tư. Trong bối cảnh khó khăn, có thể có nhiều thị trường nhỏ nhưng ta vẫn cần làm. Và bài học muôn thuở là không "bỏ trứng vào một giỏ". Các doanh nghiệp phải có bộ phận xúc tiến thương mại và cần dành ưu tiên về tiền bạc và nhân lực cho xúc tiến thương mại trong tương lai.

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo