Yên Bái: Kế hoạch dự trữ hàng hóa Phòng chống thiên tai năm 2018 (12-07-2018)

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 31/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn năm 2016-2020; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 18/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018; Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 9/5/2018 của Bộ Công thương về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Để chủ động phòng thiên tai đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của nhân dân trước mùa mưa bão hàng năm Sở Công thương Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai năm 2018 của tỉnh Yên Bái trong đó tập trung vào công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân được trú trọng. Đối với lương thực theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Công ty Cổ phần Lương thực Yên Bái dự trữ thường xuyên số lượng gạo 400 tấn (phụ vụ mùa giáp hạt, cứu đói, phòng chống thiên tai…), giá trị khoảng 3,6 tỷ đồng tại tổng kho lương thực tổ 48, đường Thành Công, phường Nguyễn Thái Học. Để chuẩn bị hàng hóa từ nay đến thời điểm mùa mưa bão hàng năm, ngoài lương thực các mặt hàng thiết yếu khác như thực phẩm công nghệ chế biến như: mỳ tôm, lương khô, nước uống được Sở Công thương quan tâm có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp là nhà phân phối, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh chủ động nhập tăng thêm số lượng hàng hóa nhằm đảm bảo dự trữ thêm một lượng hàng hóa nhất định các mặt hàng công nghệ phẩm như: mỳ tôm, lương khô, nước uống đóng chai, cụ thể: 980 triệu đồng để dự trữ mỳ ăn liền, lương khô 70 triệu đồng, nước uống đóng chai 500 triệu đồng và các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác 800 triệu đồng. Tại các địa bàn các huyện, thị xã trong tỉnh Sở Công thương Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn cấp huyện tăng cường công tác chỉ đạo, vận động doanh nghiệp phân phối, đại lý bán lẻ trên địa bàn các huyện đảm bảo đủ hàng hóa dự trữ trong mùa mưa bão.

Nhằm đảm bảo cung cấp các mặt hàng xăng dầu phục vụ việc đi lại cho người dân trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, trú trọng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 105 của hàng bán lẻ xăng dầu đã được quy hoạch và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phân bố có tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Nguồn xăng dầu kinh doanh bán lẻ thường xuyên tại 105 cửa hàng là 9.000m3/tháng và duy trì kinh doanh thường xuyên tối thiểu mỗi cửa hàng 20-40m3/tháng, đảm bảo lưu thông xăng dầu trong mùa mưa bão. Trong đó, Công ty Xăng dầu Yên Bái là đơn vị doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh xăng dầu thường xuyên với 6.000 m3 /tháng cung cấp cho toàn hệ thống trực thuộc và các đại lý của công ty trên 50 cửa hàng, đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời về số lượng, chủng loại xăng dầu cho các cửa hàng trực thuộc công ty tại 9 địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Khi các địa bàn bị cô lập do mua bão, thiên tai thì nguồn xăng dầu mỗi cửa hàng luôn yêu cầu duy trì đảm bảo tối thiểu từ 7 đến 10m ngày tại mỗi cửa hàng. Trong đó, xăng dầu dự trữ phục vụ phòng chống thiên tai 80.000 lít tại 4 cửa hàng, gồm: Cửa hàng số 1, cửa hàng số 2, cửa hàng số 9, cửa hàng số 15. Ước giá trị dự trữ mặt hàng xăng dầu thực hiện trong mùa mưa bão là 1,490 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho mùa mưa bão, ngoài mặt hàng thiết yếu thì phương án dựng nhà tạm cũng được quan tâm dự phòng. Sở Công thương đã liên hệ với doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng như: tôn lợp, đinh vít, dây thép. Cụ thể: Công ty TNHH Trường Phú, số 638, đường Điện Biên, Thành phố Yên Bái chuyên kinh doanh cung cấp hàng vật liệu xây dựng như: Tôn lợp (loại 0,35mm, không xốp) 2.000 m2; đinh vít 1 tấn; dây thép (neo, buộc) các loại 1 tấn. Tấm phibro xi măng 3.000 tấm. Tổng giá trị dự trữ mặt hàng vật liệu xây dựng ước thực hiện được 314 triệu đồng. 

Công tác chỉ đạo và tham gia cứu trợ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng được Sở quan tâm. Hàng năm trước mỗi mùa mưa bão Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra lại trang thiết bị, dụng cụ cứu hộ như: phương tiện, xăng xe, áo phao, đèn pin, áo mưa cần được quan tâm bổ sung. Công tác kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của Văn phòng Sở Công Thương; Chi cục Quản lý Thị trường; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm xúc tiến thương mại được quan tâm. Trong đó lực lượng tham gia ứng cứu là Trung đội dân quân tự vệ và Đoàn viên thanh niên Sở. Tùy từng tình huống cụ thể lượng này có thể được bổ sung thêm từ một số doanh nghiệp. Để chủ động ứng phó khắc phục có hiệu quả các thiệt hại do thiên tai gây ra. Sở Công thương xây dựng phương án 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, Phương tiện tại chỗ, Vật chất hậu cần tại chỗ, Chỉ huy tại chỗ”.

Bên cạnh những mặt đã đạt được trong công tác dự trữ hàng hóa phục vụ mùa mưa bão, thì hiện nay tại một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn như chưa đảm bảo duy trì thường xuyên mặt hàng dự trữ đáp ứng được yêu cầu khi có các trường hợp khẩn cấp xảy ra, các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống đóng chai, lương khô, mỳ ăn liền, vật liệu xây dựng, xăng dầu …còn phụ thuộc vào dự trữ của các doanh nghiệp và các đại lý đóng trên địa bàn. Vì vậy, để công tác dự trữ hàng hóa đảm bảo trong mùa mưa bão đề nghị các Bộ ngành trung ương tham mưu trình Chính Phủ ban hành chính sách cụ thể về ưu đãi đối với doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa đảm bảo bình ổn thị trường và dự trữ hàng hóa PCTT-TKCN hiện nay để làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mùa mưa lũ./.

Nguồn: Phòng QLTM

Quảng cáo