10 năm thực hiện Đề án 1956: Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn (07-08-2019)
Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Yên Bái là một trong những địa phương trong cả nước sớm thực hiện việc đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, tỉnh đang đào tạo 55 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.


Đề án 1956 góp phần giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh từ 69,44% (năm 2015) xuống còn 64,8% (năm 2018).
Đề án 1956 góp phần giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh từ 69,44% (năm 2015) xuống còn 64,8% (năm 2018).

 

Lĩnh vực đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nói riêng đã được tỉnh Yên Bái quan tâm thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách. Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 22/12/2011 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định: phát triển nguồn nhân lực, trong đó đào tạo nghề là "một trong ba khâu đột phá chiến lược”… 
 
Cùng với các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực đào tạo nghề như: Quy định đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề; quy định đơn giá và hướng dẫn định mức chi phí đào tạo nghề; sắp xếp lại các cơ sở đào tạo... 
 
Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Yên Bái là một trong những địa phương trong cả nước sớm thực hiện việc đặt hàng đào tạo nghề cho LĐNT. Từ năm 2010, UBND tỉnh đã giao UBND cấp huyện là chủ đầu tư, được chủ động trong triển khai nhiệm vụ đặt hàng dạy nghề cho LĐNT gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng, theo định hướng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, cơ sở dạy nghề trong quá trình tổ chức đào tạo. Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT hiệu quả, công tác khảo sát nhu cầu học nghề được quan tâm thực hiện. 
 
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 118/KH-UBND ngày 11/7/2016 về khảo sát, đánh giá trình độ lao động, xác định nhu cầu đào tạo nghề của các doanh nghiệp, nhu cầu đào tạo của người lao động trên địa bàn tỉnh. 
 
Qua khảo sát, đã góp phần giúp cấp ủy và chính quyền các cấp có cơ sở đánh giá đúng về chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; nắm bắt được thông tin về nhu cầu đào tạo của lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của địa phương mình. 
 
Trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã xây dựng được 135 mô hình (76 mô hình nông nghiệp và 59 mô hình phi nông nghiệp) thí điểm về dạy nghề cho LĐNT để làm cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình dạy nghề hiệu quả. 
 
Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT hiệu quả, việc sắp xếp các cơ sở dạy nghề phù hợp với thực tế và đầu tư cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ giáo viên, chương trình giáo trình dạy nghề được quan tâm thực hiện. 
 
Từ năm 2010 đến năm 2018, đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho 704 lượt giáo viên dạy nghề, đồng thời huy động được đội ngũ kỹ sư các trung tâm, trạm và các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tham gia dạy nghề. Đã biên soạn 28 bộ chương trình, giáo trình dạy nghề cho LĐNT, chỉnh sửa 27 bộ chương trình, giáo trình cho phù hợp với yêu cầu thực tế. 
 
Đến nay, tỉnh đang thực hiện đào tạo 55 nghề cho LĐNT (23 nghề nông nghiệp, 32 nghề phi nông nghiệp). Với sự quan tâm đầu tư, hiện các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và đội ngũ nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu.
 
 
Đào tạo nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú THPT Nghĩa Lộ. 
 
Trong quá trình triển khai, công tác quản lý nhà nước về dạy nghề được chú trọng. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã bố trí được cán bộ chuyên trách về dạy nghề; có trên 300 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, thị xã được tập huấn nghiệp vụ quản lý dạy nghề. 
 
Đồng thời, thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) để kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại các địa phương. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những yếu kém từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề.
 
Nhiều LĐNT sau khi học nghề đã chuyển sang lao động phi nông nghiệp; nhiều LĐNT đã áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. 
 
Với nguồn lao động được đào tạo, không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, Đề án đã góp phần để tỉnh Yên Bái hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao như: vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm gần 400 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 3.500 ha, vùng quế trên 68.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 3.600 ha, vùng sơn tra trên 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha... 
 
Đồng thời, xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ như: cam sành Lục Yên, bưởi Đại Minh (Yên Bình), chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn), gạo Mường Lò... Đồng thời, góp phần để đến giữa năm 2019, tỉnh Yên Bái có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 
 
Kết quả từ Đề án 1956 là hết sức ý nghĩa, tuy nhiên do số lượng lao động của tỉnh lớn, cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch còn chậm, giai đoạn 2011 - 2017, bình quân giảm khoảng 1,1%/năm; tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao, hết năm 2017, còn 66,66%. 
 
Trước những vấn đề trên, năm 2018, UBND tỉnh Yên Bái đã triển khai Đề án "Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. 
 
Như vậy, cùng với những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai Đề án 1956, việc tiếp tục triển khai Đề án "Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” sẽ làm cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh chuyển dịch mạnh mẽ, phục vụ tốt sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như CNH - HĐH đất nước. 
Từ năm 2010 đến giữa năm 2019, đã có 49.839 LĐNT được tham gia các lớp đào tạo nghề, trong đó, có nhiều đối tượng thuộc diện ưu tiên như: người có công với cách mạng, người thuộc hộ cận nghèo, người bị thu hồi đất... 2.889 cán bộ, công chức xã được học tập, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã. Việc thực hiện tốt Đề án 1956 đã góp phần giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh từ 69,44% (năm 2015) xuống còn 64,8% (năm 2018). 
 

Quảng cáo