Cựu chiến binh Đỗ Hồng Phúc làm giàu từ cây bưởi (22-04-2019)
Vườn bưởi của cựu chiến binh Đỗ Hồng Phúc đã có gần 100 cây tuổi đời từ 30 đến 50 năm, mang về nguồn thu trên 250 triệu đồng/năm.


Ông Phúc (bên trái) trao đổi với Chủ tịch Hội CCB xã Hán Đà kinh nghiệm trồng bưởi.
Ông Phúc (bên trái) trao đổi với Chủ tịch Hội CCB xã Hán Đà kinh nghiệm trồng bưởi.

 

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua trên địa bàn huyện Yên Bình có nhiều cựu chiến binh (CCB) từ hoàn cảnh khó khăn, kiên trì phấn đấu vươn lên trở thành gương điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Tiêu biểu như CCB Đỗ Hồng Phúc ở thôn Hán Đà 2, xã Hán Đà, huyện Yên Bình phát triển kinh tế từ trồng bưởi Đại Minh.
 
Sau hơn 10 năm trong quân ngũ, năm 1983, CCB Đỗ Hồng Phúc xuất ngũ trở về quê hương sinh sống. 
 
Nhiều năm cần cù, gắn bó với ruộng vườn và xoay sở đủ nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 1986, sau khi tìm hiểu, nhận thấy ưu điểm, lợi thế thuận lợi từ cây bưởi Đại Minh, ông Phúc quyết định chuyển phần lớn diện tích đất vườn canh tác kém hiệu quả sang trồng bưởi Đại Minh. 
 
Từ 10 cây bưởi ban đầu, ông Phúc tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chiết cành, gieo trồng, chăm sóc và chỉ sau hơn 3 năm, cây trồng mới đã đơm hoa kết trái. Hàng năm, ông Phúc tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật tại huyện, xã và tiếp tục nhân giống phát triển. 
 
Đến nay, vườn bưởi rộng 1 ha của ông đã có gần 100 cây bưởi có tuổi đời từ 30 đến 50 năm, cho thu hoạch đạt hơn 2 vạn quả/năm và được bán tại vườn với giá từ 15 đến 25.000 đồng/quả, mang về nguồn thu trên 250 triệu đồng/năm.
 
Để cây bưởi không chỉ cho năng suất tốt mà còn phải đạt chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần giữ vững thương hiệu bưởi Đại Minh, ông Phúc chia sẻ, bưởi Đại Minh trồng không quá khó, chủ yếu ở khâu làm đất, đất phải được xẻ rãnh để cây không bị ngập nước. Đặc biệt, cần xác định đúng tỷ lệ phân bón cho cây bưởi theo từng giai đoạn phát triển của cây; đồng thời, kết hợp hiệu quả với kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và thụ phấn chéo để nâng cao năng suất, chất lượng. 
 
"Ngoài ra, người trồng phải theo dõi thường xuyên, tránh để các loại côn trùng, sâu rầy tấn công phá hoại và bưởi sẽ bị hút hết chất nhựa không cho hiệu quả cao. Sau khi thu hoạch, cắt tỉa những cành bị sâu bệnh và tăng cường thêm các loại phân bón để cây bưởi tiếp tục phát triển tốt” - ông Phúc nói. 
 
Làm tốt các quy trình trồng, chăm sóc cây bưởi đặc sản Đại Minh, nhiều năm qua vườn bưởi của gia đình CCB Đỗ Hồng Phúc được các thương lái đến đặt mua tại vườn từ khi bưởi còn non. Tính riêng năm 2018, vườn bưởi của ông Phúc thu hoạch được gần 2,7 vạn quả. Trong đó, những cây 50 năm tuổi không chỉ cho quả to, đẹp, chất lượng mà còn thu được gần 800 quả. Hiện, gia đình đang tiếp tục chuyển đổi thêm 1 ha đất vườn tạp để trồng loại giống bưởi đặc sản này.
 
Từ cây bưởi, gia đình ông Phúc vừa mới xây được ngôi nhà to đẹp, rộng hơn 150 m2, trị giá trên 800 triệu đồng và mua sắm nhiều tiện nghi đắt tiền phục vụ sinh hoạt. 
 
Ông Trần Tường - Chủ tịch Hội CCB xã Hán Đà cho biết: "Gia đình ông Phúc là một trong số hộ có nhiều bưởi Đại Minh nhất tại địa phương. Trong cuộc sống đời thường, CCB Đỗ Hồng Phúc gương mẫu, phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ luôn tiên phong trong các phong trào tại địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, CCB giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, ông Phúc thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi Đại Minh với bà con và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương”.
 Nguồn: báo Công thương

Quảng cáo