Ngân hàng Yên Bái tiếp tục gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp (11-05-2023)
Những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn như: đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu giảm, nhất là tín dụng bị siết chặt, lãi suất ngân hàng cao, khiến dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm.

Tăng trưởng tín dụng thấp
 
Năm 2023, tín dụng vào các chương trình kinh tế dự kiến tăng 14 - 15% so với năm 2022 và có sự điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã quán triệt và chỉ đạo kịp thời các chủ trương, cơ chế chính sách mới của Nhà nước đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn. 
 
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn, đẩy mạnh cho vay các phương án, dự án có hiệu quả; thực hiện nghiêm túc cơ chế điều hành về lãi suất, cạnh tranh lành mạnh; thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. 
 
Tuy nhiên, những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn như: đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu giảm, nhất là tín dụng bị siết chặt, lãi suất ngân hàng cao, khiến dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. 
 
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh, ước đến 31/3/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 37.511 tỷ đồng, tăng 1,92% so với cuối năm 2022, tăng 3,88% so với cùng kỳ. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực; trong đó, tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế như cho vay sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. 
 
Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 18.520 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2022, chiếm 49,37% tổng dư nợ; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt 11.650 tỷ đồng, chiếm 31,05% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 1.270 tỷ đồng, chiếm 3,38% tổng dư nợ; dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.272 tỷ đồng, tăng 1,91%. 
 
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Quý I/2023, các chi nhánh ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ cho vay là 438,5 tỷ đồng cho 86 khách hàng; trong đó, có 39 doanh nghiệp với doanh số cho vay đạt 589 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 291 tỷ đồng. 
 
Lũy kế đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ vốn vay đối với 1.510 lượt khách hàng, số tiền cam kết cho vay là 21.447,5 tỷ đồng với doanh số cho vay 66.096 tỷ đồng; cam kết hỗ trợ giảm lãi suất cho 7.381 khách hàng với dư nợ là 6.406 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 47 khách hàng với số tiền 550 tỷ đồng và cơ cấu lại vay cũ về mức phù hợp cho 198 doanh nghiệp với dư nợ là 1.967 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), các ngân hàng thương mại cũng dành nhiều tâm huyết cho hoạt động hỗ trợ khách hàng bằng gói cho vay bù lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/ NĐ-CP. 
 
Đến 1/3/2023, các ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất cho 4 khách hàng với dư nợ là 42,2 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 401,3 triệu đồng, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào áp lực về tài chính cũng như có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục đầu tư cho sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế.
 
 
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn
 
Theo đánh giá, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp từ hệ thống ngân hàng thương mại còn khó khăn do ngân hàng siết chặt cho vay và lãi suất cao ảnh hưởng đến việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. 
 
Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp khó. Theo số liệu của NHNN Chi nhánh tỉnh, đến 31/3/2023, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp đạt 16.893 tỷ đồng chiếm 43% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 6.255 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cuối năm 2022, chiếm 16,68% tổng dư nợ. Đối với dư nợ cho vay HTX mới đạt 250 tỷ đồng, chiếm 0,67% tổng dư nợ. 
 
Lý giải nguyên nhân này, bà Mai Thị Phương Lan - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: "Thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế về quy mô và năng lực tài chính, nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ lạc hậu, quản trị kém, năng suất lao động thấp, mức độ minh bạch thông tin doanh nghiệp chưa đáp ứng, đặc biệt là thông tin kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm, vì vậy, thiếu cơ sở để các chi nhánh ngân hàng thương mại đánh giá thẩm định. Đối với các HTX, hồ sơ pháp lý chưa chặt chẽ, phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, nhiều đơn vị chưa có khả năng để xây dựng phương án dự án đầu tư có hiệu quả. Các HTX hầu như không có tài sản đảm bảo, thường sử dụng tài sản đảm bảo bên thứ 3 là các thành viên HTX, tài sản đảm bảo chủ yếu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, một số tài sản trên đất chưa được cấp quyền sử dụng đất nên giá trị đảm bảo các khoản vay nhỏ. Đối với các khoản vay không cần tài sản đảm bảo thì các HTX chưa tạo được niềm tin của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn bằng kế hoạch sản xuất. Những nguyên nhân này khiến dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như HTX chiếm tỷ trọng thấp”. 
 
Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ gia đình; chủ động tiếp cận khách hàng, tiếp cận dự án để xem xét cho vay và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn. 
 
Qua đó, quyết tâm khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ. 
 
Với quyết tâm khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cùng với giảm lãi suất cho vay, nhất là hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, chắc chắn doanh nghiệp trong tỉnh sẽ được "bơm” thêm vốn với lãi suất phù hợp, tiếp thêm nguồn lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
 
Nguồn: Báo Yên Bái

Quảng cáo