Nông dân Kiên Thành thu cả trăm tỷ đồng từ cây quế (23-05-2023)
Những năm gần đây, cây quế đã góp phần đổi đời cho người dân xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên). Hiện nay, ngoài vỏ có giá trị cao thì các bộ phận còn lại của cây quế như gỗ, cành, lá, ngọn... cũng được tận dụng, giúp các hộ dân thu từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.

Do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên cây quế ở Kiên Thành luôn sinh trưởng, phát triển tốt, hàm lượng tinh dầu cao. Trước đây, quế được trồng rải rác, nhỏ lẻ theo từng cụm nhưng sau này được quy hoạch và trồng tập trung để tạo thành vùng nguyên liệu. Đến nay, diện tích quế ở Kiên Thành đã tăng lên gần 2.800ha. Một số thôn có diện tích quế nhiều như: Đồng Song 745 ha, Đồng Cát có trên 600 ha, Khe Rộng 430 ha, Đồng Phay 325 ha, An Thịnh 222 ha,… 

Gia đình ông Lộc Văn Kích ở thôn Đồng Cát và nhiều hộ dân trong thôn đã trồng quế từ hơn 20 năm nay, hiện nay nhà ông Kích có hơn 7 ha đất đồi trồng quế. Theo ông Kích chia sẻ: “Cây quế trồng ban đầu chỉ phải bỏ tiền mua cây giống, trong 3, 4 năm đầu tiên thì chỉ mất công làm cỏ. Đất tốt nên cũng không cần bón phân, đến năm thứ 5 trở đi thì sẽ bắt đầu được tỉa thưa và bắt đầu có thu nhập từ bản vỏ, thân và lá. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu được khoảng hơn 100 triệu đồng. Khi quế đủ 15 năm tuổi trở lên thì có thể bóc trắng, lúc đó sẽ có nguồn thu từ 600 triệu đồng trở lên/ha. Ông Lộc Văn Kích chia sẻ: “Cây quế đã gắn bó với người dân trong xã từ nhiều năm nay, đây là loại cây trồng rất phù hợp với đất đai và thổ nhưỡng ở Kiên Thành. Hiện nay, cây quế ngày càng có giá trị kinh tế cao vì có thể tận thu mọi bộ phận như vỏ, thân, cành, lá. Bên cạnh đó, trên địa bàn ngày càng có nhiều thu mua, sơ chế nên rất thuận lợi cho người dân chúng tôi tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch”.

Cây quế bắt đầu cho thu hoạch tỉa cành, lá từ năm thứ 5, đến năm thứ 10 có thể thu vỏ quế thành phẩm. Ngoài vỏ có giá trị cao nhất, các bộ phận còn lại của cây quế cũng mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân. Cụ thể, gỗ quế được dùng để làm nhà, làm nguyên liệu giấy, tăm, xẻ ván ghép sàn xuất khẩu; các bộ phận khác như cành, lá, ngọn, vỏ quế vụn… được bán làm thuốc. Giá bán vỏ quế có nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi từng cây. Cây càng già thì vanh quế càng dày, giá bán sẽ cao hơn. Tuy nhiên tính trung bình, 1ha quế 15 năm tuổi trở lên sẽ thu được khoảng 500 triệu đồng tiền vỏ, 150 triệu đồng tiền bán thân gỗ và 50 triệu đồng tiền bán lá. Cây quế có tuổi đời càng cao thì càng có hàm lượng tinh dầu cao, giá trị càng lớn. Mỗi năm có 2 vụ khai thác quế, vụ tháng 3 và vụ tháng 8 (mỗi vụ kéo dài từ 2 - 3 tháng) đây là 2 thời điểm mà quế dễ bóc vỏ, thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển và bảo quản. Anh Lý Sinh Quyền - Trưởng thôn Đồng Phay cho biết thêm: “Cả thôn có 114 hộ dân, trong đó 98% là người dân tộc Dao. Cây quế đã gắn bó với người dân từ nhiều đời nay, hiện cả thôn có hơn 300 ha quế, trung bình mỗi năm cây quế mang lại thu nhập khoảng 30 tỷ đồng cho người dân trong thôn, hiện nay thu nhập của người dân trong thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm".

Để đảm bảo đủ quế nguyên liệu khai thác gối vụ, mỗi năm, người dân trong xã lại trồng mới khoảng 30ha và trồng lại gần 100 ha sau quá trình khai thác. Trung bình mỗi năm người dân trong xã thu hoạch trên 3.000 tấn vỏ quế tươi và trên 6.000 tấn cành lá cùng khối lượng lớn gỗ quế đã mang lại thu nhập trên 100 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, ước tính thu nhập của người dân trong xã đạt trên 115 tỷ đồng. Để bà con yên tâm phát triển nghề trồng quế, chính quyền xã đã đứng ra làm đại diện liên kết tiêu thụ các sản phẩm với nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và hơn 10 điểm thu mua vỏ quế để sơ chế và bán lại cho thương lái, ngoài ra còn có hàng chục cơ sở thu mua cành là và thân cây về chế biến. Anh Lý Sinh Thắng - Chủ cơ sở thu mua sơ chế quế vỏ ở xã Kiên Thành cho biết: “Năm 2019, gia đình tôi đã mở cơ sở thu mua sản phẩm quế vỏ cho người dân, sau khi sơ chế, phơi khô thì bán cho các thương lái trong và ngoài địa phương. Trung bình mỗi ngày cơ sở thu mua và sơ chế từ 2 -3 tấn quế vỏ của bà con".

Nhận thức được nguồn lợi mà cây quế mang lại, thời gian qua, xã Kiên Thành phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng huyện Trấn Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng quế sạch và sản xuất quế hữu cơ cho bà con. Phong trào sản xuất quế hữu cơ cũng đang ngày càng lan tỏa trong nhân dân, đến nay, ở Kiên Thành đã phát triển được hơn 1.300 ha quế hữu cơ, chiếm khoảng hơn 40% diện tích. Ông Hoàng Ngọc Chấn - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết thêm: “Để đẩy mạnh sản xuất quế hữu cơ, chính quyền địa phương đã phối hợp với các công ty, đơn vị có chuyên môn mở các lớp tập huấn, giám sát quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch của các hộ trong vùng nguyên liệu, thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra kịp thời phát hiện các chỉ số chất lượng. Bên cạnh đó, với việc áp dụng hàng loạt những kỹ thuật trong trồng, chăm sóc quế hữu cơ đã giúp xã Kiên Thành giữ được nguồn gen của giống quế, bảo vệ nguồn nước, chất đất và môi trường của vùng quy hoạch. Phương pháp sản xuất hữu cơ đã và đang làm thay đổi tư duy áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc quế của người dân".

Bên cạnh đó, hiện nay xã cũng chú trọng vận động bà con áp dụng các phương pháp khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm sạch để thu được giá trị kinh tế cao nhất từ loại cây đặc sản này. Cùng với đó, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ quế, từ đó góp phần nâng cao giá trị cây quế, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Báo Yên Bái

Quảng cáo