Thành phố Yên Bái: Giá thực phẩm chưa “hạ nhiệt” sau tết (13-02-2020)
Tết Nguyên đán Canh Tý đã qua, song hiện tại, giá một số mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống được bày bán tại các chợ, cửa hàng thực phẩm, siêu thị trong tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.


Giá cả mặt hàng rau xanh tăng cao sau tết.
Giá cả mặt hàng rau xanh tăng cao sau tết.

 

Tại chợ Ga Yên Bái - chợ đầu mối chuyên bán buôn, bán lẻ các mặt hàng rau xanh, củ, quả lớn nhất tỉnh cho thấy, giá các mặt hàng rau xanh đều tăng từ 10 - 30% so với thường ngày. 
 
Lý giải về việc này, các tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết là do sau tết nguồn cung rau chưa nhiều, cộng thêm thời tiết diễn biến bất thường (miền Bắc có mưa nhiều kèm sương muối, rét đậm, rét hại nên diện tích rau của nhiều địa phương bị hỏng, dập nát) trong khi nhu cầu sử dụng rau xanh sau tết của người dân lại tăng hơn thường ngày. 
 
Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái làm công việc nội trợ tại nhà cho hay: "Sau tết, cả nhà tôi đều ngán với các loại đồ ngọt, rán, chiên, xào nên rau xanh luôn là món yêu thích. Bữa nào ít rau là ai cũng kêu ca, phàn nàn, nhắc tôi phải bổ sung vào bữa sau”. 
 
Hiện, những mặt hàng rau xanh có giá tương đối cao so với thường ngày như su hào, bắp cải, rau ngót, măng tươi, cải mèo, súp lơ, các loại rau sống và rau ăn lẩu. 
 
Tại chợ Bách Lẫm, còn gọi là chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái ngày 11/2: su hào có giá 18.000 đồng/1kg; rau cần 30.000 đồng/1kg; măng tươi 25.000 đồng/1kg; rau thì là 100.000 đồng/1kg, rau muống 10.000 đồng/bó, hành lá 70.000 đồng/1kg, rau cải làn 25.000 đồng/1kg. 
 
Cùng với rau xanh, giá các loại thực phẩm tươi sống như thịt gà, trâu, bò, cá, hải sản khác cũng tăng và có mức giá cao như trong dịp tết. Cụ thể như thịt gà ta làm sẵn loại ngon có giá từ 150.000 - 180.000 đồng/kg; thịt bò từ 270.000 - 320.000 đồng/kg; thịt trâu từ 280.000 - 350.000 đồng/kg; cá chép, trắm từ 65.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại. Riêng thịt lợn có giảm nhẹ so với trước tết nhưng vẫn ở mức từ 140.000 - 180.000 đồng/kg. 
 
Giá cả thực phẩm leo thang khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong chi tiêu nên buộc phải thực hiện phương châm "thắt lưng buộc bụng” để kiểm soát cuộc sống tốt hơn. 
 
Chị Đặng Hồng Anh - cán bộ công chức làm việc tại thành phố Yên Bái cho hay: "Gia đình tôi có 6 người. Trước đây, trung bình mỗi ngày đi chợ, tôi tiêu hết khoảng 150.000 đồng tiền thức ăn cho cả nhà ăn bữa trưa và tối, nhưng nay thì phải từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Tiền ăn uống, chi phí sinh hoạt tăng cao trong khi nguồn thu của gia đình thì không tăng nên buộc tôi phải cân nhắc, tính toán, chi tiêu hợp lý để cân bằng cuộc sống”.  
 
Cùng chung quan điểm với chị Anh, thay vì ngồi một chỗ than thở về giá cả tăng cao hoặc lo ngại trước mỗi đợt tăng giá khó kiểm soát, nhiều gia đình đã lựa chọn xu hướng sống tích cực, thông minh hơn như: tiết kiệm điện, nước, ga; giảm mua sắm những đồ dùng, vật dụng, thiết bị không cần thiết trong gia đình; cơ cấu lại bữa ăn, thực hiện ăn chay từ 1- 2 lần/tuần và ăn sáng tại nhà; cải tạo diện tích ban công, sân thượng và tận dụng diện tích đất trống quanh nhà để trồng rau; sử dụng sổ ghi chép để theo dõi các khoản thu chi hàng ngày…
 
Hy vọng, với những lựa chọn tốt nhất trong xu hướng cắt giảm chi tiêu thời "bão giá” sẽ giúp các gia đình có cuộc sống ổn định, không ảnh hưởng tới việc học tập, lao động, làm việc và đảm bảo sức khỏe.
 Nguồn: Báo Yên bái

Quảng cáo