Yên Bái tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất khẩu (27-07-2023)
Từ đầu năm đến nay, lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, nên số lượng đơn hàng, quy mô đơn hàng giảm mạnh, khiến tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Yên Bái khá ảm đạm; trong đó, nhiều nhóm ngành hàng chủ lực đơn hàng giảm sút, DN sản xuất cầm chừng.

Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn - DN hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, SXKD các loại sứ cách điện, sứ kỹ thuật và cũng là DN duy nhất trên địa bàn có sản phẩm mang thương hiệu quốc gia; tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: "Trước đây, DN kinh doanh ổn định cả thị trường trong, ngoài nước nhưng từ đầu năm tới nay các thị trường này gần như "đóng băng”; dẫn đến, doanh thu chỉ bằng 1/2 năm ngoái và DN đã cắt giảm lao động chỉ còn 1/4 so với trước đây”. 

 
Tương tự, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cũng gặp nhiều khó khăn đối với mặt hàng xuất khẩu giấy đế, giấy vàng mã chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, khiến hoạt động của một số nhà máy phải tạm dừng để tìm đối tác hoặc phải hoạt động cầm chừng.
 
Điển hình như Nhà máy Gia công giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc trung bình mỗi tháng sản xuất 500 tấn giấy thành phẩm, tạo việc làm 3 ca cho 200 công nhân nhưng từ cuối năm 2022 đến nay chỉ còn 1/3 số lao động. 
 
Thực tế, qua 6 tháng đầu năm, ghi nhận nhiều nhóm, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều giảm so với cùng kỳ; trong đó, nhóm công nghiệp và chế biến khoáng sản giảm 14% so cùng kỳ; nhóm sản phẩm may mặc giảm 11% so cùng kỳ; nhóm sản phẩm hạt nhựa chất dẻo giảm 10% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều DN còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác như: thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng...; dẫn đến, phải từng bước thu hẹp sản xuất. 
 
Theo đại diện Công ty cổ phần Khoáng sản Redstone, do nguyên liệu đầu vào khan hiếm bởi việc khai thác đá gặp khó khăn; cước vận chuyển tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao; đơn hàng giảm mạnh, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu nên Công ty gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
 
Công ty đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho việc khai thác, vận chuyển đá trên địa bàn tỉnh được thuận lợi trong thời gian tới. Cùng đó, DN gặp khó khăn về nguồn vốn, lãi suất ngân hàng tăng, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn, nên DN đề xuất phương án xin giãn thời gian trả nợ ngân hàng. 
 
Trước những khó khăn của DN, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành cũng tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tín dụng hỗ trợ người dân, DN. Các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, giảm thủ tục hành chính để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho SXKD của DN và đầu tháng 7/2023, ngành thuế đang tích cực triển khai chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
 
Việc giảm thuế giá trị gia tăng góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; từ đó, giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng SXKD, tạo thêm việc làm cho người lao động. 
 
 
Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đa dạng hóa hình thức và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và đạt nhiều kết quả tích cực. Thường xuyên tổ chức diễn đàn, chương trình đối thoại giữa các cấp chính quyền và DN để lắng nghe ý kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, Sở Công Thương vừa tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu với sự tham gia của 20 DN xuất khẩu và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương... 
 
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu Bộ Công Thương, cơ cấu xuất khẩu của Yên Bái có các mặt hàng khá đa dạng; tuy nhiên, trị giá xuất khẩu chưa cao và hiện đang gặp khó khăn về đơn hàng; do đó, các DN cần có phương án chủ động linh hoạt hơn. 
 
Chẳng hạn, các DN dệt may chấp nhận đơn nhỏ lẻ hơn, thời vụ hơn để duy trì sản xuất và khi kinh tế thế giới phục hồi thì nắm bắt cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, các nước đặt ra nhiều rào cản thương mại, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng..., các quy trình sản xuất phải thay đổi như thế nào để đáp ứng được các tiêu chuẩn để hàng hóa được chấp nhận ở các thị trường bạn. 
 
Ông Ngô Chung Khánh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương thì cho rằng, Yên Bái cần cụ thể hơn nữa, đi sâu hơn nữa các mặt hàng có thế mạnh. Đơn cử như tỉnh mạnh về chè thì cần xác định chè là mặt hàng chiến lược, nên xây dựng ra hệ sinh thái gồm các DN trong lĩnh vực chè, các cơ quan, ban, ngành liên quan để chúng ta tạo ra được sự kết nối của các chủ thể giúp xây dựng ngành chè một cách bền vững. Cái quan trọng không phải là xuất khẩu bao nhiêu tiền, mà xuất khẩu bao lâu, sang bao nhiêu thị trường và tạo ra được giá trị lan tỏa không chỉ cho chè mà từ đó có thể cho cả quế, gỗ...
 
Tinh thần chủ động, triển khai tích cực, đồng bộ của hệ thống chính trị, các chính sách hỗ trợ cho người dân, DN theo các nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND đã được triển khai kịp thời, góp phần giải quyết kịp thời khó khăn cho DN. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, cộng đồng DN mong muốn có thêm những động thái hỗ trợ khó khăn quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ cũng như các sở, ngành của tỉnh; trong đó, DN rất cần sự tiếp sức về vốn, hỗ trợ lãi suất cho vay, giãn nợ cho DN khơi thông thị trường và cải cách hành chính...
 
Nguồn: Báo Yên Bái

Quảng cáo