Chào mừng năm học mới 2019 - 2020 và Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường Chia sẻ Yên Bái sẵn sàng năm học mới (05-09-2019)
Hôm nay, ngày 5/9, gần 217.000 học sinh Yên Bái bước vào năm học mới. Phát huy kết quả vượt bậc của năm học trước, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng tất cả các điều kiện tốt nhất cho năm học 2019 - 2020, hứa hẹn một năm học nhiều thành công.


Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải tập duyệt cho lễ khai giảng.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải tập duyệt cho lễ khai giảng.

 

Trước ngày khai giảng hơn 1 tuần lễ, toàn bộ học sinh tại huyện Văn Yên đã chính thức tựu trường. Trước đó, từ đầu tháng 8 các thầy cô giáo đã tiến hành vệ sinh trường lớp, kiểm tra cơ sở vật chất, kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện trước khi đón học sinh ra lớp. Nhờ sự chủ động, Văn Yên đã sẵn sàng cho năm học mới từ rất sớm. 
 
Theo ông Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, Phòng đã tham mưu giúp Huyện ủy ban hành công văn tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị cho năm học mới. Năm học 2019  - 2020, toàn huyện có 64 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, huy động 31.750 học sinh ra lớp. 
 
Cũng như các địa phương trong tỉnh, để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ năm học, ngay từ tháng 7/2019, Phòng đã ban hành công văn hướng dẫn các trường chủ động tích cực trong công tác xây dựng, cải tạo nâng cấp các hạng mục; tham mưu với các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình. 
 
Nhờ đó, 56 phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học mới, đưa số phòng trên toàn huyện lên 908 phòng. Trong đó có 646 phòng kiên cố, bán kiên cố 214 phòng, 48 phòng học tạm. Toàn huyện hiện có 205 phòng bán trú; cơ bản đáp ứng được nhu cầu của học sinh. 
 
Các cơ quan, ban, ngành cùng ngành giáo dục hỗ trợ kinh phí xây dựng và nâng cấp bếp, công trình vệ sinh, giường nằm cho học sinh bán trú ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm đảm bảo điều kiện tối thiểu để học sinh yên tâm học tập.
 
 
Học sinh các trường nội trú, bán trú đã ổn định chỗ ăn, ở bước vào năm học mới. 
 
Mỗi địa phương trong tỉnh, tùy vào từng điều kiện cụ thể ngành GD&ĐT địa phương có những tham mưu, những cách làm phù hợp chuẩn bị cho năm học mới. 100% các địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã khẩn trương hoàn tất mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất; rà soát, sắp xếp đủ phòng học; các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp diễn ra sôi nổi; các cơ sở giáo dục tiến hành vệ sinh khuôn viên, phòng học, trang trí văn phòng, lớp học tạo môi trường sư phạm khang trang, thân thiện, sạch đẹp khi bước vào năm học mới. 
 
Trong hè 2019, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 290 phòng học, 36 phòng học bộ môn, 28 phòng hành chính quản trị, 111 phòng ở học sinh bán trú, 11 bếp ăn, 15 công trình vệ sinh, 9 công trình nước sạch... với kinh phí trên 250 tỷ đồng. Sở GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh các công trình xây dựng cơ bản để hoàn thành phục vụ năm học mới. 
 
Đặc biệt, triển khai Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp, tổng vốn đầu tư đã huy động để thực hiện giai đoạn 2016-2019 là trên 477 tỷ đồng, đạt 110,3% so với mục tiêu của Đề án. Trong đó: vốn ngân sách cấp huyện huy động trên 128,8 tỷ đồng, chiếm 214,8% tổng vốn. 
 
Các ngành và các địa phương đã thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Đề án, triển khai đảm bảo kế hoạch sáp nhập các điểm trường theo đề án trong năm học 2019-2020. 
 
Năm học này, toàn tỉnh có 443 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô 6.656 lớp, gần 217.000 cháu mầm non, học sinh phổ thông; số phòng học hiện có 6.371 phòng, đạt 80,7%. Sở GD&ĐT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình công tác chuẩn bị năm học mới và công tác chuẩn bị tổ chức khai giảng của các cơ sở giáo dục tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. 
 
100% các huyện, thị, thành phố đã tham mưu giúp UBND cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, trong đó nhấn mạnh các nội dung cần thực hiện như: công tác tuyên truyền, phương hướng nhiệm vụ năm học 2019-2020; tuyển sinh, huy động học sinh ra lớp... 
 
Đồng thời, chỉ đạo ngành GD&ĐT, các đơn vị trường học quan tâm huy động học sinh tại các lớp mầm non, mẫu giáo, học sinh đầu cấp, huy động học sinh tại các vùng khó khăn trên địa bàn ra lớp; tăng cường công tác điều động, tăng cường đội ngũ từ đơn vị dôi dư sang đơn vị thiếu để đáp ứng yêu cầu cho công tác giảng dạy.
 
Chỉ đạo các đơn vị huy động mọi nguồn lực chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học; sách giáo khoa; xây dựng cảnh quan, môi trường đảm bảo xanh - sạch - đẹp phục vụ tốt cho ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. 
 
Nhờ thế, 100% các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị tốt đảm bảo cho triển khai năm học mới và tổ chức khai giảng đúng kế hoạch. Các trường mầm non, tiểu học trong toàn tỉnh đã tập trung học sinh làm quen với lớp, tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 100% các trường THCS, THPT đã tổ chức dạy học từ ngày 26/8/2019.
 
Xác định năm học 2019 - 2020 là năm học bản lề chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tập trung rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp; chuẩn bị cơ sở vật chất; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020 - 2021 bám sát kế hoạch của Bộ và địa phương. 
 
Đồng thời, quyết tâm tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT, chú trọng phát triển giáo dục mũi nhọn và ưu tiên giáo dục vùng dân tộc thiểu số, giảm hiện tượng học sinh bỏ học ở vùng cao, vùng khó khăn, duy trì tỷ lệ học sinh ra lớp, đảm bảo chuyên cần; tăng dần các chỉ số về huy động học sinh ra lớp.
 
Phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự lực, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; đa dạng hóa các hình thức học tập, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn cuộc sống. 
 
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý và bồi dưỡng giáo viên bằng trực tuyến, qua trang mạng "Trường học kết nối”; triển khai Đề án nâng cao chất lượng các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn, Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh Yên Bái; thực hiện tốt Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; thực hiện mô hình trường học mới (VNEN).
 
Đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh, giáo viên; triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm trong công tác quản lý, dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.  
 
Cùng với kết quả vượt bậc của năm học 2018 - 2019, sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng trên tất cả mọi mặt, toàn ngành bước vào năm học 2019 - 2020 với tâm thế vững chắc và khí thế mạnh mẽ, không chỉ hoàn thành các mục tiêu giáo dục đã đặt ra mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của địa phương.
 

Quảng cáo