Xuất khẩu Yên Bái vượt năm khó khăn (25-01-2024)
Ngành công thương Yên Bái và các doanh nghiệp đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để khơi thông thị trường, ổn định sản xuất; củng cố, sắp xếp lại sản xuất, cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các công đoạn dư thừa; thực hành tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu; đồng thời, tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2023, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh  Yên Bái hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện chịu nhiều tác động tiêu cực do lệ lụy của đại dịch bệnh Covid-19; kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại; nhiều sản phẩm có tỷ trọng tăng trưởng ổn định như: khoáng sản, hàng may mặc, hạt nhựa, chè, quế... đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
 
Trong bối cảnh đó, bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành công thương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để khơi thông thị trường, ổn định sản xuất. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) và thương mại điện tử; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các DN nắm bắt cơ hội khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP. 
 
Cùng đó, các DN đã nỗ lực củng cố, sắp xếp lại sản xuất, cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các công đoạn dư thừa; thực hành tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu; đồng thời, tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá. 
 
Theo Sở Công Thương, giá trị xuất khẩu năm 2023 ước đạt 355 triệu USD, tăng 1,4% so kế hoạch, tăng 19% so năm 2022 (tương đương 57,7 triệu USD). 
 
Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu phải kể đến nhóm hàng nông - lâm sản chế biến với giá trị xuất khẩu đạt trên 155,532 triệu USD, chiếm tỷ trọng 44%, tăng 42%  so với cùng kỳ (tương đương 45,840  triệu USD) và đóng góp phần lớn vào nhóm hàng này là mặt hàng gỗ xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng tủ bếp gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ; trong đó, ghi nhận sự đóng góp lớn Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư Lâm Phong 44,5 triệu USD, Công ty TNHH Tủ bếp Cao Tiệp Việt Nam 18 triệu USD. 
 
Cùng đóng góp lớn vào thị phần xuất khẩu phải kể đến nhóm hàng công nghiệp và chế biến khoáng sản khi đã mang về 90,434 triệu USD, chiếm tỷ trọng 25%, tăng  5% so với cùng kỳ, tương đương 4,38 triệu USD. Kế tiếp là nhóm sản phẩm may mặc giá trị xuất khẩu đạt 67,493 triệu USD, chiếm tỷ trọng 19% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 1% tương đương với 0,73 triệu USD. 
 
Nhóm sản phẩm hạt nhựa chất dẻo chiếm tỷ trọng 12%, tăng 19% so cùng kỳ và mặt hàng chủ yếu là hạt nhựa phụ gia của một số DN như: Công ty cổ phần An Tiến  INDUSTRIES, Công ty cổ phần Khoáng sản Red Stone, Công ty TNHH Việt Nam Polymer Industries. Trong năm, một số DN mới có doanh thu xuất khẩu như: Công ty Cổ phần Nhựa châu Âu Yên Bái, Công ty TNHH Sản xuất BEDEKO Việt Nam, Công ty TNHH vật liệu mới Thiên Lam. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng và đến nay hàng hóa của tỉnh xuất khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ...) và hơn 30 thị trường khác. 
 
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 420 triệu USD, tăng 18,3% so với năm 2023. 
 
Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tạo mối gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ sở nhằm phát huy có hiệu quả năng lực sản xuất của DN, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành; tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình XTTM; tập trung khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
 
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đàm phán để XTTM đến các thị trường còn dư địa phát triển; hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các DN đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới; tiếp tục cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN phát triển cũng như đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, cần phải có sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của chính các DN thì kết quả sản xuất, kinh doanh mới đạt được kết quả khả quan.                             
 Nguồn: Báo Yên Bái

Quảng cáo