Yên Bái phát triển các mô hình nông nghiệp xanh (15-03-2024)
Nông nghiệp xanh góp phần tạo ra những chuỗi sản xuất khép kín, tận dụng các phụ phẩm của sản phẩm này để bổ trợ cho sản phẩm khác. Điều này phát huy hiệu quả cao không chỉ ở những mô hình chuyên canh mà còn phù hợp với các mô hình kinh tế tổng hợp, mô hình kinh tế hộ có quy mô vừa và nhỏ.

Những năm qua, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái khuyến khích người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh. Điển hình như mô hình chăn nuôi thủy sản của Công ty TNHH Chế biến Thủy sản sạch Hải Hà. Hàng ngày, Công ty chế biến một lượng cá thương phẩm lớn và tương ứng là có một lượng lớn phụ phẩm thừa như đầu, da, xương cá. 
 
Để tận dụng nguồn phụ phẩm và không để ảnh hưởng đến môi trường, Công ty đầu tư máy móc, sử dụng các phụ gia để biến phụ phẩm thành thức ăn chăn nuôi. Cách làm này không những giúp Công ty giải được bài toán về môi trường, mà còn tiết kiệm được nguồn chi phí tương đối lớn trong việc mua thức ăn cho cá, tạo ra chuỗi sản phẩm khép kín. 
 
Bà Vũ Thị Thu Phương - Quản lý sản xuất Công ty TNHH Chế biến Thủy sản sạch Hải Hà cho biết: "Hướng tới sản xuất xanh theo chuỗi khép kín, chúng tôi đã nghiên cứu về việc tận dụng nguồn phế phẩm để sản xuất cám viên cung cấp ngược lại cho việc nuôi trồng thủy sản. Công ty đã đầu tư trang thiết bị máy móc, cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm, thử nghiệm và áp dụng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Qua đánh giá, sản phẩm thức ăn cho cá của Công ty đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật". Thời gian tới, Công ty xác định việc tái tạo sản phẩm từ chế biến thành thức ăn chăn nuôi cho cá nói riêng và cho gia súc, gia cầm khác sẽ trở thành một hướng đi mới, góp phần khép kín quy trình sản xuất, tăng thu nhập và mở rộng thị trường. 
 
Nông nghiệp xanh (NNX) góp phần tạo ra những chuỗi sản xuất khép kín, tận dụng các phụ phẩm của sản phẩm này để bổ trợ cho sản phẩm khác. Điều này phát huy hiệu quả cao không chỉ ở những mô hình chuyên canh mà còn phù hợp với các mô hình kinh tế tổng hợp, mô hình kinh tế hộ có quy mô vừa và nhỏ. Hình thức sản xuất này được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, mức độ khác nhau như: tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nuôi, sử dụng men vi sinh tạo ra các loại phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học; áp dụng các phương pháp canh tác tự nhiên; canh tác đa tầng trên cùng một đơn vị diện tích như trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi ốc dưới ruộng lúa… 
 
Mỗi hình thức đều mang lại những hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường đất, nước, không khí mà vẫn tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành có thể cao hơn so với những sản phẩm khác cùng loại trên thị trường. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo lồng ghép chương trình, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đạt chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate. 
 
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái hiện có gần 50 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, vệ sinh an toàn thực phẩm với diện tích trên 1.000 ha, chủ yếu là các loại cây như chè, quế hữu cơ; ngoài ra còn có các mô hình trồng rau trong nhà lưới; mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình nông nghiệp kết hợp trồng trọt với nuôi trồng thủy sản; mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP; mô hình chăn nuôi, trồng trọt sử dụng các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp… 
 
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: "Trong giai đoạn tới, sản xuất NNX là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững. Do đó, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu thế nào là sản xuất xanh. Từ đó sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong sản xuất NNX. Trong sản xuất xanh phải đảm bảo về môi trường, các quy trình sản xuất phải được áp dụng triệt để và đúng quy trình. Đồng thời phải xây dựng thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo ra những sản phẩm được chứng nhận chất lượng từ đó sẽ vào được những thị trường lớn có giá trị cao hơn”. 
 
Với hướng đi sản xuất NNX, ổn định, bền vững, ngay từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia phát triển sản xuất nhất là đối với những phương pháp sản xuất an toàn, hữu cơ. Đây sẽ là một trong những giải pháp tạo động lực để các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất NNX tạo ra những sản phẩm có giá trị, góp phần khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
 
Nguồn: Báo Yên Bái

Quảng cáo