Yên Bái thúc đẩy chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (06-03-2024)
Thời gian qua, các phương thức xúc tiến thương mại (XTTM), đặc biệt là thương mại điện tử (TMĐT) đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thiết lập kênh phân phối, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm của địa phương.


Để hiểu rõ hơn về cách làm cũng như kết quả đạt được của ngành công thương về công tác chuyển đổi số trong XTTM, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đình Chiến -  Phó Giám đốc Sở Công Thương.
 
P.V: Trong thời đại 4.0 thì TMĐT đã mang lại nhiều kết quả cho nền kinh tế của tỉnh. Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả và hiệu quả của TMĐT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
 
Đồng chí Nguyễn Đình Chiến: Trong thời đại công nghệ 4.0, không thể phủ nhận tầm quan trọng của TMĐT, nhất là vai trò của nó đối với xã hội và người tiêu dùng. TMĐT làm cho xã hội ngày càng phát triển và thông qua đó khách hàng ở nhiều vùng miền có thể dễ dàng tiếp cận, mua sắm những sản phẩm, dịch vụ một cách dễ dàng nhất. 
 
Đồng thời, TMĐT cũng giúp thu hẹp khoảng cách không gian và thời gian giữa nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ với đông đảo khách hàng. Đó là những lợi ích không hề nhỏ mà TMĐT mang lại cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng và toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. 
 
Với TMĐT, quyền của người mua được gia tăng đáng kể. Khách hàng có thể chọn lựa hàng hóa, tham khảo thông tin, khảo sát giá, mua hàng từ bất kỳ nhà cung cấp nào trên mạng Internet.
 
Với những lợi ích thiết thực từ TMĐT nên thời gian qua, nhất là khi dịch Covid-19 diễn ra thì ngành công thương đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong XTTM, TMĐT. 
Cụ thể, Sở đã hỗ trợ đăng tải thông tin 238 sản phẩm OCOP của tỉnh lên Sàn TMĐT tỉnh Yên Bái; tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 238 sản phẩm OCOP của tỉnh để giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, các hội nghị kết nối cung cầu. Hiện tại, Sở đang quản lý, vận hành Sàn TMĐT tỉnh Yên Bái (sctyenbai.com) và Website Sở Công Thương (sctyenbai.gov.vn). Đến thời điểm hiện nay, có 21.406.736 lượt truy cập trên Sàn TMĐT tỉnh Yên Bái (sctyenbai.com) và Website Sở Công Thương (sctyenbai.gov.vn). 
 
Hỗ trợ 20 doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia sàn giao dịch TMĐT shopee, lazada, sendo để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, hàng hóa. Cùng đó, Sở đã tuyên truyền giới thiệu các hoạt động XTTM và các tiềm năng thế mạnh của tỉnh Yên Bái thông qua việc xây dựng các baner giới thiệu sản phẩm, video clip trên trang báo trung ương và địa phương như: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái; vinanet.com; nhahieuviet.com… Trong năm 2023, đưa lên sàn thương mại Postmart.vn trên 70 lượt sản phẩm đặc trưng với tổng số đơn hàng giao dịch là trên 1.480 đơn hàng, tương ứng doanh thu gần 243 triệu đồng.
 
P.V: Sở Công Thương đã đồng hành như thế nào để giúp doanh nghiệp phát triển TMĐT mang lại hiệu quả kinh doanh bền vững, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Nguyễn Đình Chiến: Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách như: Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 10/9/2021 về Phát triển TMĐT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 15/12/2022 về thực hiện Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021 - 2030”. Trong thời gian qua, Sở đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ DN phát triển TMĐT. 
 
Cụ thể như: hỗ trợ các DN đầu tư cho phát triển TMĐT, bao gồm các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kiến thức, hỗ trợ DN xây dựng website TMĐT, ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD)… Triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến hoạt động SXKD, bước đầu khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng, DN ứng dụng công nghệ thẻ vào các loại hình dịch vụ ngân hàng, hầu hết các DN áp dụng hình thức thanh toán không dùng mặt đối với các nội dung thanh toán như: tiền điện, nước, tiền lương, tiền điện thoại. 
 
Hằng năm, Sở phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT đối với một số DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và cá nhân trên địa bàn tỉnh kết hợp tuyên truyền về những lợi ích của việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động SXKD và để làm cơ sở đánh giá chỉ số ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ đăng tải thông tin, tạo mã QR mua bán trực tuyến cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản và sản phẩm chủ lực của tỉnh lên sàn TMĐT tỉnh Yên Bái. 
 
Sở cũng hỗ trợ các DN tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các DN nước ngoài; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương tại các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài nước theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (gian hàng từ xa); hỗ trợ DN, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT có uy tín trong và ngoài nước như Alibaba, Sendo, Shopee, Lazada, Voso, Postmart...
 
P.V: Để mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu, theo đồng chí cần đổi mới và nâng cao chất lượng trong công tác TMĐT như thế nào?
 
Đồng chí Nguyễn Đình Chiến: Để mở rộng thị trường xuất khẩu, cần đổi mới và nâng cao chất lượng trong công tác TMĐT, như sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và những lợi ích mà TMĐT mang lại đối với xã hội, DN và cộng đồng; quan tâm và bố trí nguồn lực hợp lý, phù hợp để trang bị hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt nhất cho phát triển TMĐT và công tác đào tạo, tập huấn góp phần nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ công tác trong lĩnh vực TMĐT tại cơ quan quản lý nhà nước và các DN xuất khẩu hàng hóa. 
 
Nâng cao chất lượng Website của DN vì Website phục vụ hoạt động SXKD của DN là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ phát triển TMĐT. Khi việc kết nối hệ thống giữa các đối tác chiến lược để trao đổi dữ liệu điện tử còn chưa phát triển thì các Website là kênh phổ biến nhất để DN quảng bá sản phẩm, xúc tiến dịch vụ và tiến hành giao dịch TMĐT theo cả hai hình thức B2B, B2C. 
 
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT, nhất là trên môi trường mạng xã hội như: Zalo, Facebook, TikTok… góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… ảnh hưởng đến uy tín đối với sản phẩm, hàng hóa của các DN xuất khẩu trên địa bàn. Tỉnh cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo giữa các DN xuất khẩu của Yên Bái với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các DN nước ngoài thông qua môi trường TMĐT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. 
 
Cùng đó, không ngừng đổi mới hình thức hỗ trợ DN, hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn TMĐT có uy tín trong và ngoài nước như: Alibaba, Sendo, Shopee, Lazada, Voso, Postmart... để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa góp phần lan tỏa thông tin về sản phẩm hàng hóa của địa phương tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
 
Nguồn: Báo Yên Bái

Quảng cáo