Yên Bình nỗ lực xây dựng vùng hàng hóa chất lượng cao (29-03-2024)
Những năm qua, huyện Yên Bình chú trọng tập trung đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chủ động xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Tận dụng mặt nước sẵn có rộng lớn từ hồ Thác Bà, nhiều năm nay, người dân các xã ven hồ trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách. Nếu như trước kia, người dân chủ yếu nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi thì gần đây đã dần chuyển sang các loại cá da trơn, cá đặc sản chất lượng cao như lăng, ngạnh, nheo… Đồng thời, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 
 
Bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Thịnh Hưng chia sẻ: "Được tập huấn khoa học kỹ thuật theo hướng VietGAP và bao tiêu sản phẩm các loại cá đặc sản nên tôi đã mạnh dạn đầu tư, tăng quy mô nuôi từ 2 lồng lên 10 lồng và 6 ha nuôi cá quây lưới eo ngách, chủ yếu là cá lăng, ngạnh, rô phi, trắm. Để lúc nào cũng có cá bán cho khách hàng, gia đình tôi đã áp dụng phương thức chăn nuôi gối vụ. Nguồn thức ăn cho cá luôn được bảo đảm chất lượng vì gia đình đã đầu tư máy trộn thức ăn từ các loại tôm, tép, ngô, khoai, sắn. Mỗi năm gia đình bán khoảng 3 tấn cá, trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng”. 
 
Đến nay, cùng với hơn 300 hộ nuôi cá lồng, trên địa bàn huyện còn có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã (HTX), 6 tổ hợp tác với trên 2.200 lồng nuôi cá và trên 230 ha mặt nước quây lưới nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt gần 8.000 tấn. Các đơn vị này đã tích cực áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất vừa tạo ra những sản phẩm sạch từ cá. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng đến các siêu thị lớn trên cả nước.
 
Không chỉ có vùng nuôi trồng thuỷ sản, đến nay, toàn huyện Yên Bình đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, bước đầu hình thành liên kết với các doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm: vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại xã Bạch Hà, Bảo Ái; vùng cây ăn quả có múi với diện tích 2.000 ha tập trung tại các xã Đại Minh, Hán Đà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Yên Bình, Bạch Hà, Cảm Nhân; vùng chè với diện tích gần 500 ha tại các xã Hán Đà, Vĩnh Kiên, Yên Bình, Bạch Hà; vùng trồng rừng sản xuất với diện tích trên 36.000 ha… 
 
Rõ ràng, việc sản xuất theo hướng hàng hoá chất lượng cao vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, vừa tăng năng suất, giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Vùng chè Hán Đà là một minh chứng cụ thể. Hơn chục năm trước, do quy trình canh tác không bảo đảm an toàn nên sản phẩm chè tươi, khô của người dân xã Hán Đà tiêu thụ chậm, giá thấp, nhiều hộ chặt bỏ chè để trồng các loại cây khác. 
 
Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã tích cực vận động nhân dân thay đổi phương thức canh tác chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP từ kỹ thuật chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục, liều lượng đến thời gian thu hoạch để đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, sản phẩm chè của địa phương đã xây dựng được thương hiệu "Chè xanh Hán Đà”, trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, thành công lấy lại chữ tín với khách hàng. 
 
Hiện, trong 160 ha trồng chè, toàn xã đã có 72 ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP, sản lượng đạt trên 100 tấn chè khô/năm, chiếm 1/3 tổng sản lượng chè khô của xã. Giá trị chè xanh Hán Đà được nâng lên, từ bình quân 70 nghìn lên tới 150 nghìn đồng/kg vào cuối vụ và trung bình 90.000 đồng/kg khi chính vụ. Sản phẩm được thương lái các tỉnh Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh… thu mua. 
 
Tích cực đổi mới sản xuất theo hướng hàng hoá chất lượng cao trên địa bàn huyện Yên Bình đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 53 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 8%, trung bình mỗi năm giảm 4%. 
 
Nguồn: Báo Yên Bái

Quảng cáo